.
Chuyện xưa xứ Quảng

Người làm thay đổi làng quê

Ông Nguyễn Đạo, sinh năm 1803 tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Làm từ thiện, đặt ra học điền, mở trường dạy học, xây dựng đền chùa, cầu cống, kênh mương thủy lợi... ông đã làm thay đổi diện mạo, mang lại cảnh thanh bình, thịnh trị cho một làng quê xứ Quảng.

Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo nhưng ông rất chăm học. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông thi đỗ Tường sinh - danh hiệu ban cho người thi đỗ nhị trường trong kỳ thi hương. Mãi đến năm 40 tuổi ông còn lều chõng đi thi nhưng vẫn không đỗ cao hơn. Theo lệ triều Nguyễn, ông được bổ đi dạy học, nhưng lấy cớ còn mẹ già, ông xin ở nhà để phụng dưỡng mẫu thân...

Ở quê nhà, ông lấy việc cày ruộng, đọc sách làm nghề nghiệp chính, lấy lễ hiếu để dạy dỗ con em trong hương lý; bà con lối xóm đều rất nể phục và kính trọng gia đình ông. Ông là người chất phác, thật thà, ngay thẳng, ít khi uốn mình chiều theo ý của người khác, xem mọi người trong làng như anh em một nhà. Đặc biệt, ông rất thương người, lấy việc nghĩa, việc thiện làm nguồn sống chân chính của đời mình và truyền dạy cho con cháu về sau.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), vùng đất Hà Lam gặp thiên tai, mùa màng bị mất sạch, đâu đâu cũng gặp cảnh đói khổ, khốn khó. Nguyễn Đạo phần đem của cải, lương thực sẵn có trong gia đình, phần ngày đêm đi quyên góp để cứu đói cho nhân dân. Nhờ đó, làng ông và các làng lân cận qua được tai ương. Hằng năm, ông đứng ra quyên góp thóc lúa, đồng thời khuyên bảo dân chúng tự nguyện lập kho nghĩa thương để dự trữ phòng hờ khi gặp thiên tai, mất mùa. Qua trình tấu của quan đầu tỉnh, ông được vua Tự Đức khen ngợi về những việc làm nhân nghĩa.

Mười năm sau đó, cả vùng duyên hải và đồng bằng Quảng Nam bị mất mùa. Các cấp quan kêu gọi nhân dân trong toàn tỉnh đóng góp thóc lúa, tiền bạc để cứu đói. Ông Nguyễn Đạo tự nguyện đi quyên các gia đình khá giả trong tỉnh được một số tiền khá lớn, hơn 60.000 quan, cùng hàng vạn hộc lúa để cấp phát cho dân nghèo. Công trạng to lớn của ông được quan địa phương hết lòng khen ngợi, đích thân vua Tự Đức đã ban thưởng cho ông ngân bài “Lạc quyên” và “Nghĩa sĩ”.

Ở huyện Lễ Dương, nhân dân hai làng An Phú và Dục Thúy từ lâu vẫn ăn ở lênh đênh trên sông nước. Ông đứng ra vận động nhân dân làng xã mình trích ra hơn 20 mẫu công điền nhượng lại cho nhân dân hai làng này để họ làm nhà, an cư lạc nghiệp. Việc này bay ra đến triều đình, làng ông vinh dự được vua thưởng một tấm biển ghi 4 chữ “Thiện tục khả phong” (Tục tốt đáng khen).

Để khuếch trương sự học ở địa phương, ông cùng với các thân sĩ trong huyện vận động nhân dân quyên cúng tiền bạc và nhượng đất đai để xây dựng Văn chỉ ngay tại làng ông. Khuyến khích nhân dân đặt ra học điền, mở trường dạy văn dạy võ, xây dựng đền chùa, cầu cống, kênh mương thủy lợi... ông đã làm cho bộ mặt làng quê Hà Lam thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhân dân được sống trong cảnh thanh bình, yên ấm, chí thú làm ăn. Người dân ngày càng có của ăn của để, gặp đói kém, mất mùa vẫn tự lo liệu được, không phải chờ sự trợ cấp như trước. Suốt trong một thời gian dài, trong làng không xảy ra việc thưa kiện, học trò văn võ nối gót nhau đỗ đạt.

Các quan phủ, quan huyện khi về nhậm chức thường mời ông đến quan nha để hỏi thăm về tình hình nhân dân trong phủ, trong huyện. Nghe lời khuyên của ông, họ đã đưa ra những kế sách đúng đắn có lợi cho dân, cho nước. Biết chuyện ông, Thượng thư Ngụy Khắc Đản và Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Chánh Thủ muốn đem công trạng của ông tâu lên triều đình nhưng ông một mực can ngăn. Ông khiêm tốn nhìn nhận những việc ông làm cho dân chỉ là những tiếng đồn thổi mà thôi, không đáng gì phải được tôn vinh, khen thưởng. Không thích phô trương, suốt đời mình, ông chỉ mong muốn cốt sao cho nhân dân sống trong cảnh no đủ, mùa màng bội thu, xóm làng trù phú, đất nước thái bình...

Nhờ ơn phúc của ông, con cháu ông về sau đều được hiển quý, đỗ đạt cao, hoạn đồ thanh thản, nổi tiếng thanh liêm, hết lòng thương dân, ái quốc. Lo lắng con cháu sau này vì chạy theo danh vọng, chức tước mà có những việc làm hại đến ân đức, đến bách tính muôn dân, nên ông thường đem lời cổ nhân ra răn dạy: “Nếu xuất hiện một vị tiến sĩ làm hại ân đức, thì không bằng xuất hiện một người bình dân biết tiếp tục làm phúc”.

Ông mất năm Nhâm Thân (1872), thọ 69 tuổi. Do quan hàm của con là Phó bảng Nguyễn Thuật, ông được phong tặng Đô sát viện Hữu phó Đô ngự sử. Ngày nay, nhân dân thị trấn Hà Lam nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung luôn nhớ đến công ơn ông, hết lòng truyền tụng phẩm cách gia đình và hậu duệ của ông.

AN TRƯỜNG

 

;
.
.
.
.
.