.

Ông già bán quán ăn

.

1-Tại một góc con hẻm nhỏ khu Jeagi-Dong phía Bắc sông Hàn có một quán ăn nhỏ, chìm lút trong những quán ăn khác. Quán không có biển hiệu hấp dẫn, không có đèn màu nhấp nháy.

Tối hôm đó trời khá lạnh. Mùa thu Seoul được báo hiệu bằng những cơn mưa lạnh đột ngột, xen giữa những đợt nắng đổ tràn suốt từ những dải núi cao xuống tận mạch ngầm con nước Hàn Giang.

Mưa mù khiến tôi thấy thèm ăn một tô súp gì đó. Đã một tuần ăn mì tôm, vừa xót ruột, vừa bồn chồn trong dạ như đang mắc nợ ai một việc gì. Một tuần được thả sống tự thân giữa Seoul, không có người phiên dịch cho, phải tự giao dịch, đi lại, sinh hoạt... Đành ăn mì tôm là chính, rồi “lấy sức” để tìm hiểu xứ Hàn. Hầu hết người ở đây không biết tiếng Anh. Còn tôi thì một chữ tiếng Hàn chưa biết. Có muốn ra quán ăn cũng phải biết món gì để mà gọi. Nhiều lúc tôi cứ gọi bừa. Gọi bất cứ món ăn nào cũng sẽ có kim chi. Coi như đây là món dễ ăn nhất trong các món rau dưa của Hàn Quốc. Dù mới chỉ có một tuần sống ở Seoul. Dù kim chi cay đến tê dại. Đến phải thừa nhận người Hàn không chỉ có mùi tỏi, mà còn có mùi cay của ớt và cái mùi đặc trưng của kim chi.

Chúng tôi bước vào cái quán ăn nhỏ nhoi đó. Tôi và cô bạn đồng nghiệp đều vô cùng lúng túng vì thực ra chúng tôi chưa biết cách tìm ra món ăn nào hợp khẩu vị của mình.

Chủ quán là hai ông bà già nom rất phúc hậu. Cả hai cùng đon đả chào khách:

- An Nyoung Hi Ga Se Yo!

Ông già vội vã ra dãy bàn ăn để xếp lại những bộ lót ngồi và ra hiệu mời chúng tôi ngồi. Hai ly nước mát được mang tới. Bất cứ bữa ăn nào của người Hàn cũng đều được khai vị bằng ly nước mát, dù trời có lạnh đến cỡ nào. Khách của quán cũng không có bao nhiêu. Lác đác một vài người bước vào, mà đa phần là những người đàn ông trung tuổi. Mỗi người chọn cho mình một góc và lặng lẽ suy tư cùng ly nước. Bà chủ quán nhanh tay xào nấu, trong khi ông chủ bê ra lần lượt những đĩa nhỏ đựng các loại rau củ kim chi mắm tương xì dầu...

Ông già có ý hỏi chúng tôi dùng gì? Cả hai đều cùng nhìn lên tường, nơi treo bảng giá được viết bằng thứ chữ Hàn nắn nót. Nhưng chúng tôi nhìn tranh vẽ bên cạnh mỗi món ăn thì đúng hơn. Nhìn thấy một món có vẽ tô canh bốc khói, lại thấy có cái gì đó trong tô giống miếng thịt bò. Tôi chỉ tay vào món đó. Ông già gật đầu vội vã chạy vào trong bếp. Từ trong bếp mùi thức ăn bốc ra ngai ngái. Rồi lại thấy ông quay ngay ra ngồi sà xuống cạnh tôi. Ông hỏi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ:

- Piệt chừ nam?

- OK!

Chúng tôi gật đầu vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Giữa thủ đô Seoul vào cái thời tiết giá lạnh này mà lại có một người nhận ra mình là người Việt Nam thì thật là vui. Ông già chỉ tay vào mình:

-Tôi... Sài Gòn Vũng Tàu...!

Thế là chúng tôi nhận ra ông là ai.

Ông chỉ tay lên bức tường đối diện, khoe cái gì đó. Chúng tôi nhìn thấy một bức ảnh to treo trang trọng. Một chàng trai khá đẹp trai và hào hoa trong bộ đồ lính. Trái tim chàng trai dù có thể chưa vương bụi trần, nhưng ánh mắt đã u uẩn. Khẩu súng cầm trên tay có thể là vật khoe chiến tích, nhưng cũng là vật tố cáo ông, tố cáo và lên án suốt đời.

Hai suất ăn được ông già bê tới. Nhìn vào tô súp, chúng tôi hơi thất vọng. Hóa ra định gọi món súp thịt bò, chúng tôi đã gọi nhầm sang món canh súp kim chi. Nhìn ớt đỏ lựng cả tô canh, chưa ăn đã thấy muốn chảy hết nước mắt vì nhớ món ăn ở nhà.

Trong bữa ăn, chúng tôi hầu như không được yên ổn. Bởi vì ông già cứ ngồi luôn bên cạnh để nói chuyện bằng thứ tiếng Hàn nặng trịch. Chúng tôi cảm nhận những lời nói bằng cử chỉ và ánh mắt. Bà vợ thì cứ đứng trong quầy nhìn ra cười nụ cười thân thiện. Thi thoảng chúng tôi lắc đầu với ông già:

- Moo-le-o (Không hiểu).

Ông già đành bất lực vì không tìm ra cách diễn giải nào khác. Ông gật đầu chắp tay:

- Jwe Song Ham Ni Da (Xin lỗi - rất tiếc).

Xong bữa, chúng tôi được ông già ưu tiên mời hai ly cà-phê nóng hổi. Loại cà-phê bán bằng tiền xu. Máy bán nước giải khát cà-phê này có khắp nơi trên các tụ điểm công cộng, nhà hàng ở Seoul. Cứ thả đồng 200 – 500 won vào tùy từng máy, sẽ lấy ra được một tách cà-phê nóng thơm lừng, (ở trường Korean University nơi tôi học tiếng Hàn sau đó thì giá bán chỉ là 100 won một tách cà-phê như thế).

Hai ông bà già kính cẩn chào chúng tôi như chào hai nữ thần một ngày đẹp trời đã đặt chân đến vương quốc đạm bạc của họ. Chúng tôi lấy làm áy náy quá thể.

2- Những người đàn ông trung niên lặng lẽ sống trên đất Hàn hôm nay đa phần đều đã từng phải cầm súng trong đội quân Pak Chung Hee. Tôi nói “những người đàn ông trung niên lặng lẽ sống” là vì quả thật họ đang lặng lẽ sống và làm hết mình những gì có thể làm được để gột rửa cái quá khứ đầy mặc cảm tội lỗi của mình.

Họ đã cầm súng đi đánh thuê cho quân đội Mỹ. Họ đặt chân đến đất Sài Gòn hoa lệ, hưởng thụ ánh sáng kinh thành của “hòn ngọc Viễn Đông”, rồi theo lệnh xả súng vào các làng xã miền Nam Việt Nam. Người dân thường bị truy diệt, trước khi nhắm mắt còn ngơ ngác trước số mệnh đau thương của dân tộc Việt.

Những ánh mắt ngơ ngác mở to nhìn lên bầu trời xa thẳm ấy đã luôn ám ảnh trong mỗi giấc mơ đổi đời của dân tộc Hàn.

Trên đường phố Seoul, đố bạn tìm thấy một lái xe taxi nào là thanh niên. Hầu hết đều là những ông già, hoặc trẻ hơn một chút là những người đàn ông trung niên. Hỏi ra thì có đến bảy mươi phần trăm là những người đã từng cầm súng sang Việt Nam. Thấy khách nói tiếng Việt, họ đều ngoảnh xuống hỏi thăm chỉ mấy câu: Sài Gòn? Vũng Tàu? Tất thảy đều rất thân thiện với người Việt và kính cẩn nhận những đồng tiền của khách như cách ta nhận sự ban ơn. Nhiều khi tôi thấy ái ngại cho họ.

Ái ngại nhất là một hôm, sau cái bữa ăn đầu tiên, chúng tôi lại quyết định vào quán của hai ông bà già. Lúc đó cũng đã muộn. Đồng hồ Seoul chỉ 9 giờ đêm. Bữa ăn cũng diễn ra tương tự như bữa trước, nghĩa là cũng phải vừa ăn vừa tiếp chuyện một cách chật vật với ông già. Vì thế mà bữa ăn kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ. Cứ hai ba thứ ngôn ngữ Hàn-Anh-Việt trộn lẫn, đánh lộn nhau giữa những động tác diễn giải. Sau bữa ăn lại hai tách cà-phê thơm lừng. Nhưng hôm đó, ông già còn kéo chúng tôi ra chiếc xe hơi ông đỗ trước quán, vỗ vỗ tay vào ngực mình ý nói đây là xe của tôi. Rồi ông mở cửa xe và kéo chúng tôi lên xe. Tôi có ý hỏi cô bạn: Ông ta đưa mình đi đâu đây? Cô bạn cười: Đi thì đi, sợ gì.

Hình như ông già muốn đưa chúng tôi đi chơi quanh thành phố Seoul. Ừ, thì đi. Sợ gì? Từ hôm sang đây đến giờ, chưa có ai thiết kế cho chúng tôi một chuyến vòng quanh phố xá bằng xe hơi như thế. Có mấy buổi họp mặt giao lưu thì chúng tôi phải tự đi subway theo lời chỉ dẫn bằng thứ tiếng Anh rất khó nghe của người phụ trách chương trình. Bây giờ tự nhiên có người đưa đi dạo phố bằng xe hơi còn gì bằng. Nhưng liệu ông ta có dở cái trò gì không? Hai cô gái Việt không biết tiếng Hàn, giữa vùng đất xa lạ đêm hôm mù trời mù đất thế này. Dù bên ngoài kia, phố xá đèn đóm rợp trời như thành phố đêm New York. Nhưng xe đã nổ máy rồi, có muốn bảo dừng lại cũng không biết cách từ chối cho lịch sự, ít nhất là phải biết mấy câu tiếng Hàn của người có học. Thôi thì...

Xe cứ đi, đi mãi, ra khỏi Seoul.

Ông già bật đĩa bài hát tiếng Hàn. Giọng một nam ca sĩ trầm hùng. Ông già hát theo. Mỗi khi đi qua một địa danh nào đó, ông dừng hát, giới thiệu. Mà chúng tôi có nghe có biết ông nói gì đâu. Nhưng những địa danh đều có ghi rõ trên những tấm bảng treo cao trên mỗi chặng đường. Thế là chúng tôi cũng hiểu được mình đã đi qua những địa danh nào.

Xe đi cũng phải được đến gần tiếng đồng hồ, chúng tôi mới hiểu ông già đang đưa mình đến biên giới Nam-Bắc Hàn. Bắt đầu nhìn thấy những vòng thép gai xoáy đan cài suốt dọc hai bên đường. Phía mặt bên kia hàng rào dây thép gai, phía có dòng sông Hàn chảy êm xuôi là những ngọn đèn pha soi rõ từng ngọn cỏ. Đó là những ngọn đèn bảo vệ. Nếu người từ phía Bắc Triều Tiên có bơi theo dòng sông mà trốn sang Hàn Quốc thì những ngọn đèn lờ đờ kia sẽ là những tên lính canh đầu tiên chặn đứng họ lại. Mà sang để làm gì nhỉ? Người Triều Tiên, cả Bắc và Nam đều có ý chí quật cường như nhau. Đều không dễ dàng đón chào nhau như cách “Nam Bắc một nhà”.

Ông già vẫn hát theo cái đĩa. Giọng nam ca sĩ ở giai tầng buồn đến não lòng. Sau này tôi mới hỏi ra được lời của bài hát. Một bài hát nổi tiếng của một ca sĩ Hàn nổi tiếng và đã chết trẻ:

Người đi khuất trong sương mờ..

Cuộc chia ly Nam - Bắc hiện ra trong đêm bằng giai điệu buồn của một người đã khuất, và bằng hình ảnh một tốp lính mặc rằn ri đứng chặn ngang chiếc cầu bắc qua sông. Hình như họ hỏi gì đó, và hình như ông già trả lời rằng xe của chúng tôi chỉ đến đúng đầu cầu này thôi để cho mấy cô gái Việt Nam biết cái biên giới quái quỷ này. Và rồi chiếc xe quay lại để đi đến chỗ người Hàn dựng góc biên giới và đài tưởng niệm, chỗ gần ngay cầu và có thể đứng từ đó để nhìn qua biên giới.

Sau này, chúng tôi còn được một giáo sư người Hàn Quốc đưa đi lại địa danh này, đi hẳn sang cầu (dĩ nhiên khách nước ngoài mới được qua cầu để tham quan và phải có visa), đi đến chỗ mà người Hàn Quốc bán vé, phát mũ bảo hiểm, rồi cho khách tham quan chui vào đường hầm ngầm. Có cả thảy bảy đường hầm đã được phía Hàn Quốc phát hiện vào những năm của thập niên bảy mươi thế kỷ hai mươi, đánh dấu sự da diết mong thống nhất Nam Bắc của người Bắc Triều Tiên. Chúng tôi chui vào hầm và đi mãi đi mãi. Thấy hết những sự đời trên thế gian chỉ với những đoạn đường hầm ngầm được đào bí mật trong những lòng núi đá.

Nhưng tôi mãi không thể quên cái đêm mà ông già bán quán đã đưa chúng tôi đi đến biên giới này. Đứng trong đêm, ngay cạnh bức phù điêu tưởng niệm những người lính Hàn đã ngã xuống trong cuộc chiến Nam Bắc, để nhìn xuyên qua màn đêm sang phía bên kia, để suy ngẫm về cái thế gian mỏng mảnh, đầy bất trắc và cũng muôn phần vĩ đại.

Thi thoảng, những ngày còn ở Seoul sau này, khi tôi có việc đi ngang qua cái quán nhỏ, nhìn thấy ông già đang ngồi uống cà-phê với bạn, hay ngược lại nếu ông già có nhìn thấy tôi, thì ông rất phấn khởi vẫy tay gọi bằng tiếng Việt pha Hàn lơ lớ:

- Piệt trờ nam... Cô bạn tôi!

Tôi thường chào ông một cách rất xã giao bằng thứ tiếng Hàn đã học được ở trường Korean University, một nơi dạy tiếng Hàn khá tốt ở Seoul cho người nước ngoài, nghĩa là vòng hai tay, gập người xuống chừng ba mươi sáu độ để chào:

- An Nyoung Hi Ga Se Yo!

Và rồi tôi đi ngang qua.

Tôi cứ đi ngang qua mãi hết chặng đường này đến chặng đường khác, hết sự việc này đến sự việc khác. Rồi quên bẵng cái quán nhỏ.

Đến ngày sắp chia tay với Seoul, tôi sực nhớ đến ông. Tôi đi qua đó và nhìn vào quán. Tôi nhìn thấy ông già đang đứng bên cạnh bà vợ. Ông mỏng dính như cái cây khô trên núi Bắc Hàn vào mùa rụng lá. Tôi đưa tay ra cầm tay ông. Ông thều thào chỉ vào cánh tay và khắp người mình, đâu đâu cũng thấy những vết thâm đỏ. Ông nói rằng ông mới bị ốm nặng. Tôi không đủ tiếng để hiểu ông bị bệnh gì. Chỉ biết là một bệnh nào đó có liên quan đến một thứ chất độc hồi ở chiến trường. Thứ chất độc vô hình ngấm vào bất cứ người nào kể cả bên này và bên kia. Hoặc chất độc da cam, hoặc chất độc rừng rú, bom đạn... Tôi không biết làm gì cả. Tôi chỉ biết chào và cúi người trước ông. Cũng như ông đã chào và cúi mình trước chúng tôi, những người Việt hiếm hoi ông gặp trên xứ Hàn.

Tôi cứ định sẽ đến cái quán nhỏ để chụp hình lưu niệm với hai ông bà già, để cảm ơn sự ân hận của họ với đất nước chúng ta, cảm ơn tình mến khách của những người Hàn hoài cổ.

Nhưng rồi mọi việc cuốn đi. Cho đến giờ tôi vẫn không biết tên ông. Cũng như ông và vợ ông, mãi mãi sẽ không biết rằng cái quán nhỏ nhoi ấy đã đón tiếp nồng hậu một nhà văn và một nhà thơ Việt. Mãi mãi họ không biết rằng họ đã giúp chúng tôi nhìn xứ Hàn với tấm lòng của những người đôn hậu, vượt qua mọi sự ngăn cách và những đường biên.

Ghi chép của Võ Thị Xuân Hà

;
.
.
.
.
.