.
Cửa sổ văn nghệ:

Nhân một tập truyện cả nghìn bài

Năm ngoái, được tặng một tập tuyển 999 bài thơ chọn theo chủ đề nước non một dải do một người tự bỏ tiền túi ra làm, lời ăn lỗ chịu (biếu sách cũng là một cách trả nhuận bút, không vui được bằng nhận tiền nhưng còn hơn không được gì). Chưa phải bài nào cũng hay, nhưng tuyển thế là dụng công, đọc thấy thích. Đã tưởng là ghê!

Năm nay, đột ngột ông B.T gọi điện thoại đến, hẹn biếu một tập… thơ. Những tưởng ông cũng như mọi tác giả lâu nay, in xong thơ thì đem biếu vì chỉ có cách đem biếu mới hết, ai ngờ cuốn sách ông mang đến là một tập thơ tuyển, cả nghìn trang, bìa cứng, giấy tốt in trên 3.000 bài thơ của 1.500 tác giả, có cả ảnh và vài dòng tiểu sử đi kèm. Hóa ra ghê hơn cả quyển kia. Ông B.T còn khoe kín, đã bán được 2.000 cuốn. Ít ra bây giờ là hòa vốn, lãi được quyển sách. Đang tính tái bản vì sợ thiếu. Nghìn rưỡi người có thơ trong sách, mỗi người mua một cuốn là chắc, chưa kể còn mua cho con cháu, bạn bè.

Lướt một lượt, không mấy ai quen, cũng như không mấy người có tiếng. Ít bài hay nhưng cũng không đến nỗi nhiều bài dở. Thơ không hợp với nhiều nhà thơ nhưng lại tâm đắc với hàng nghìn, hàng vạn người yêu thơ, mê thơ phần nhiều là các ông, các bà đã đứng tuổi, coi thơ cũng là một cách bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, lưu giữ kỷ niệm, tâm sự với người thân.

Đọc thơ, trỗi lên cảm nhận: thơ với hầu hết các tác giả trong sách là một thú chơi, một đam mê, một cách di dưỡng tinh thần giống như luyện viết chữ, chơi hoa, chơi cây cảnh, chơi chim hót, phần nào giống cả thú mê đồ cổ. Những người như họ rất đông, từ Nam chí Bắc. Cùng một hứng thú, họ nhóm với nhau trong những câu lạc bộ thơ, ít là một hai chục người, nhiều có đến hàng nghìn người, sinh hoạt rất đều, rất nghiêm. In thơ cũng là một quyền, hơn nữa lại tao nhã, không vô ích. Quyển sách này là kết quả của những lần sinh hoạt ấy và cái quyền được nói ấy trong hai năm của một “siêu câu lạc bộ”, nghĩa là của một câu lạc bộ thơ có tới 4.500 người.

Gấp sách lại, thấy như vừa đi qua một phiên chợ đông đúc, ồn ào đến váng vất đầu óc nhưng vui, nếu không quá khó tính và kiêu bạc. Vậy nhân quyển sách, muốn đưa ra một vài suy nghĩ về tình trạng mà nhiều người gọi là “lạm phát thơ”, “bội thực thơ”, “loạn thơ” hiện nay.

Thơ từ trước tới nay không bao giờ hiếm ở mọi dân tộc, mọi nước. Nói ở nước ta “ mỗi người là một nhà thơ”, chỉ duy nước ta mới là “đất nước của thơ ca” chỉ là một cách nói cho đẹp lòng nhau mà thôi. Thơ nhiều muôn vạn nhưng thơ hay luôn ít, đó cũng là một quy luật của văn chương. Để còn lại ba trăm bài thơ Đường, phải bỏ đi, phải quên đi hàng vạn bài thơ dở. Để còn lại vài chục tác giả thơ Việt Nam nổi tiếng với mấy trăm bài thơ của họ suốt 10 thế kỷ, phải vượt qua cả rừng những bài thơ dở của không biết bao nhiêu thế hệ thầy đồ, nho sĩ, quan lại… những người đến chết vẫn nghĩ mình có tài thơ.

Cũng như ngày nay, làm được bài nào, họ chép vào gia phả, đóng thành tập dày tập mỏng, khắc ván in ra để lưu truyền hậu thế. Tóm lại là thơ rất nhiều nhưng đi tìm thơ hay vẫn luôn khó, có khi cả thế kỷ không có bài nào. Nhưng dù tìm thơ luôn khó bởi vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân cũng không thể vì thế mà cản trở việc in thơ, đọc thơ, chơi thơ của thiên hạ. Người ta in thơ mình, đọc thơ mình cũng giống như người nuôi được con gà, trồng được mớ rau mang ra chợ. Chợ búa thuận mua vừa bán, hàng ngon đắt khách, hàng xấu mang về, không đổ lỗi vì người nên mình ế ẩm, đấy là sự dân chủ của văn chương, chỗ thử thách, mài dũa của thơ.

Cho nên thơ ế, thơ in nhiều, mỗi ngày nước này bình quân có thêm một tập thơ phải được coi là điều bình thường nếu không nói là điều mừng, không nên phàn nàn. Có thể cả vui nữa vì đông thì vui đã đành, còn việc giữa rừng lau lách thơ, thơ của mình có thể sẽ được người khác nhớ... Còn như dèm pha, cản trở người khác, chỉ mình mới có quyền làm thơ, phát tán thơ thì nói cho cùng đó cũng là thói cửa quyền trong nghệ thuật của những người rất nhiều hoang tưởng nhưng rất ít tài năng.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.