Tên cuốn sách này (*) được hai tác giả người Đức: S. Rahmstorf và Hans J. Schellnhuber viết kèm theo một nhan đề phụ “Thảm kịch vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại” đã báo trước một nội dung không mấy dễ chịu đối với các quốc gia công nghiệp thải ra chất khí CO2 tạo hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Để làm rõ điều đó, hai tác giả đã chỉ ra “Các nước công nghiệp phải thấy rằng, mỗi lần tìm cách chiếm giữ quyền “làm dơ không khí” cho riêng mình là mỗi lần cung cấp “quyền tự do” cho những nước đang phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nigeria liên tục thải CO2 vào không khí. Nếu các nước phía Bắc muốn các nước phía Nam cùng lên chiếc thuyền bảo tồn thì chỉ có thể thực hiện nó với các điều kiện công bằng” (tr.195)
Điều kiện công bằng là dựa theo nguyên tắc “Polluter Pays Principle - chi phí sinh ra do thực hiện một việc gì hay bỏ qua việc gì sẽ do người gây ra chi trả” các tác giả đặt vấn đề là các quốc gia công nghiệp phía Bắc phải là những nước đi đầu trong công việc nghiên cứu và đề ra những giải pháp khắc phục hậu quả khôn lường của việc biến đổi khí hậu do việc làm ô nhiễm bầu khí quyển.
Cuốn sách, sau khi đã phân tích khoa học và cặn kẽ từ nguyên nhân đến hậu quả việc con người làm cho trái đất nóng lên dẫn đến sự biến đổi khôn lường của khí hậu, đã kết luận “Vận tốc biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ vượt xa vận tốc của phần lớn các biến đổi khí hậu trong lịch sử” (tr.125); đồng thời đã nêu ba giải pháp mà con người cần phải gấp rút thực hiện: 1- Thay đổi cách sử dụng năng lượng kèm theo việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm. 2- Thay năng lượng hóa thạch bằng năng lượng bảo tồn. 3- Tích lũy địa chất đối với carbon thừa có hại cho khí hậu.
Hai tác giả cũng dự báo việc sản xuất các nguồn năng lượng sạch như nhiệt từ ánh sáng mặt trời, năng lượng gió, điện mặt trời và thực vật là công nghệ hàng đầu cho tương lai và cho biết “Công nghệ này chỉ thực sự xuất hiện đúng lúc nếu nền kinh tế thế giới kịp thời nhận thức và nhận được sự hỗ trợ chính trị đầy đủ” (tr.188).
Sự hỗ trợ đó chính là “cần bàn tay nhà nước nhúng vào tạo động lực”. Bên cạnh đó, cuốn sách còn chỉ ra nỗ lực “liên kết những người tình nguyện” trong các tổ chức dân sự cũng là biện pháp hữu hiệu nhất của việc “bảo vệ khí hậu bằng những hành động tích cực”.
Trưng dẫn 152 tài liệu tham khảo nơi cuối sách, hẳn là hai tác giả đã muốn thuyết phục người đọc một lần nữa về những ý kiến vừa khoa học vừa cẩn trọng của mình.
Đây là một tài liệu khoa học rất dễ tiếp thụ - đặc biệt đối với độc giả phổ thông. Gấp cuốn sách lại, hẳn ai cũng phải đồng ý với hai tác giả “Việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là cuộc thử lửa đầu tiên cho xã hội toàn cầu”. (tr.217)
PHÚ BÌNH
(*) “Khí hậu biến đổi” của S. Rahmstorf và Hans J. Schellnhuber. Người dịch: Trang Quang Sen. NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2-2008.