Thời buổi bây giờ, chỉ cần một buổi dạo chợ là có thể có một cái Tết tinh tươm không thiếu thứ gì. Thế nhưng, sau khi mọi lo toan, tất bật của những ngày cuối năm qua đi, càng gần đến thời khắc giao mùa cũ mới, con người càng cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó.
Níu giữ hương Tết cho hội làng
Các loại bánh truyền thống đang có nguy cơ mai một. |
Ngày trước, ở Hòa Mỹ chỉ có ruộng Đồng Bàu gần đình làng là trồng được hai loại nếp nổi tiếng là nếp mèo và nếp tây dùng làm các loại bánh. Tháng 8 xuống giống, tháng mười một gặt, tháng chạp đã có nếp sẵn sàng đón Tết. Những người phụ nữ trong làng như bà Thám, bà Hồng cứ đến 26-27 tháng chạp là bắt tay vào làm bánh tét. Muốn bánh thơm ngon, để tới rằm tháng giêng mà vẫn không sượng, kinh nghiệm của các bà là vuốt nếp 3-4 nước thật kỹ cho đến khi nước trong. Như thế, bánh sẽ trắng, nấu mau nhuyễn, để được lâu, không thiu, không chảy nhựa. Nấu nước vừa đủ ấm mới cho bánh vào, sắp một lớp bánh, một lớp lá đu đủ để da bánh có màu xanh.
Ngoài bánh tét, còn phải kể đến một số các loại bánh trái mà khi làm có khi phải huy động cả gia đình. Ngày trước làm gì có máy móc, tất cả phải làm thủ công, muốn có bột làm bánh phải giã bằng cối đá. Làm bánh in phải bỏ công cạo đường bát rã tay, cạo thật mỏng thì bánh mới ngon được. Làm bánh khô nổ thì cực hơn, nhồi bột lấy trùng, dừng bột lên khuôn, cắt từng lát trước khi hấp, chín rồi trút ra nướng lại lửa. Bà Thám bảo, bánh khô ngó vậy mà khó làm, có thời thì được, còn không thì rờ đâu bể đó. Bánh khô bẻ đôi ra mà không có tơ thì coi như hỏng.
Tết xưa, những người phụ nữ Hòa Mỹ cùng với gia đình lụi cụi với các loại bánh Tết. Bánh tét bập bùng than lửa. Bánh in thì cả làng vang tiếng cà trốc cà trốc sáng đêm, vui như Tết.
Tết nay, cũng như nhiều nơi, làng Hòa Mỹ ngày càng phai nhạt hương Tết xưa. Chỉ một vài loại bánh còn có cơ hội được những người phụ nữ trong làng trổ tài khéo tay, kéo dài không khí Tết đến ngày mười hai tháng giêng Âm lịch – ngày diễn ra Hội làng Hòa Mỹ. Cùng với các nam thanh nữ tú trong làng, bà Thám và bà Hồng trịnh trọng bước ra sân đình, thong thả trổ tài gói các loại bánh xưa. Đó là dịp để hai bà ôn lại “nghề” cũ, nhưng cái chính là níu giữ hương Tết xưa cho hội làng giữa phố.
Nỗi niềm bánh tổ...
Níu giữ hương Tết xưa cho hội làng giữa phố. |
Tết một thời, khi khắp làng Quang Châu thơm nức hương khô nổ từ những chảo rang đặt bên đường làng, thì nhà bà Bảy đông vui như hội. Trai gái, dâu rể, ai lo việc nấy theo sự sắp đặt của bà. Làm các loại mứt trước, kế đến là bánh tổ (để phơi cho đủ nắng), cuối cùng là bánh tét. Các loại bánh thuẫn, khô, in, thường được làm vào ngày nắng ráo để cất vô thùng. Ngày đó, bà còn làm một số bánh rất cầu kỳ, như bánh hoàng tinh làm bằng bột hoàng tinh, ngậm vào là nó tan nhẹ và tỏa một hương thơm trong vòm miệng; bánh bảy lửa có khuôn bằng ống trảy kinh qua 7 lần lửa, làm bằng bột nếp trắng tinh trộn mè rang, ăn giòn như cây kẹo kéo...
Đối với bà Bảy, giờ thì thời hoàng kim của các loại bánh đã qua, trừ bánh tổ. Người miền Trung có lệ, nếu ai cúng bánh tổ lúc giao thừa thì năm nào cũng phải cúng, không được để cách quãng. Ngày trước, sau khi đưa ông Táo về Trời, những nhà có cối đá ở Quang Châu thường rê nó ra chỗ thoáng đãng giữa sân để nhà mình và nhà hàng xóm sang giã nhờ. Nếp thơm được vuốt sạch, để ráo nước, hết thúng này đến thúng khác cho vào cối. Từ hửng sáng đến khuya lơ, cả xóm thậm thình nhịp chày giã bột, thỉnh thoảng rơi vào không gian áp Tết tiếng cười trong trẻo của nam thanh nữ tú như những nốt hoa mỹ trong bản nhạc mừng xuân mới.
Sau khi chỗ bột nếp trắng mịn ấy được cho vào nồi nước đường thắng pha gừng và trộn đều thành một gam màu nâu vàng, người ta múc từng gáo đổ vào khuôn, hấp chín. Thời gian hấp bánh được canh bằng những que hương cháy đỏ lập lòe, chúng không đơn thuần là thay thế chiếc đồng hồ mà còn có ý nghĩa tâm linh đối với một lễ phẩm ngày Tết có tên là bánh tổ. Bánh vừa chín tới được vớt ra sắp đầy nong, đem ra hong nắng.
Ngày trước, bà Bảy làm bánh tổ bán khắp làng, nay chủ yếu tặng bà con, gửi cho con cháu làm quà Tết. Con bà mấy chục năm xa nhà, mỗi lần xuân về là nhớ cái Tết quê không chịu được. Khổ nỗi, không nhớ gì, lại đi nhớ cái... bánh tổ mới lạ. Chẳng biết vì khuôn bánh đan bằng tre giống hệt cái tổ chim hay vì là phẩm vật thờ cúng ông bà trong ngày Tết mà loại bánh mộc mạc, đơn sơ ấy có tên là bánh tổ – đến nay người con xa quê ấy vẫn còn thắc mắc.
Chỉ là thắc mắc thôi, chứ không mong có câu trả lời, bởi cách giải thích nào cũng hay, cũng đẹp cả, chúng làm nao lòng những người xa quê một nỗi niềm “chim có tổ, người có tông”. Và, mỗi lần nhìn những chuyến xe cuối năm vội vã về Trung, đứa con xa quê đau đáu một nỗi niềm: Bánh tổ ơi! Nhớ lắm…
VĂN THÀNH LÊ