Từ khi tôi đi học xa nhà rồi làm việc, ở luôn trên phố thì cũng dần quen với việc chuẩn bị Tết chỉ trong tuần cuối cùng của năm cũ, tức là sau khi mọi nhà đã đưa ông Táo về trời. Tôi không bao giờ gặp lại nữa nỗi nôn nao trong lòng khi ba tôi nhìn cây mai trước nhà: “Đã rằm tháng mười một rồi kia à? Phải tuốt lá mai thôi!”.
Tôi lúc đó đang hình dung đến những nụ mai vừa hé nở chúm chím trên cành lá non mướt, mềm mại, tưởng chừng như rất ngọt nếu đưa vào miệng. Tuốt lá xong, tôi được ba giao cho nhiệm vụ quét dọn. Tôi quét lá dồn lại một chỗ rồi hốt vào bao mang ra sau vườn đổ, thoáng ngậm ngùi cho một đời lá, nhưng rồi cũng nhanh chóng an ủi được mình. Hãy nghe lời tôi - một cô bé chưa đầy mười tuổi - nói với những chiếc lá vừa bị vặt đi: “Đừng buồn nhé! Các ngươi đang hy sinh cho một mùa xuân mới rực rỡ hơn”. Chao ôi là tôi! Mẹ bảo tôi được gọi là “bà cụ non” khi còn nhỏ hơn nữa kia…
Cùng khoảng thời gian đó, mẹ tôi trồng đủ thứ rau trên rẻo đất đầu hè và mảnh vườn trước sân. Nào là mấy luống đậu côve sau khi gieo hạt phải chặt lá chuối đậy lại, hình như để đất ấm hơn cho đậu dễ nẩy mầm. Sáng nào tôi cũng chạy ra, lật lá chuối lên xem những mầm đậu mũm mĩm, múp máp. Khi đậu bắt đầu mọc thành cây, ba tôi vào gò chặt những cành cây nhỏ về cắm hai bên của mỗi luống để dây đậu leo lên.
Đến khi đậu ra hoa, ong bướm từ đâu về bay rập rờn, luống đậu mới nhộn nhịp làm sao. Gần Tết, cả giàn đậu trĩu trái, chiều chiều tôi cùng mẹ hái đầy một mủng nhỏ để sáng mai mang ra chợ bán. Ngày đó, bán mớ chứ không cân như bây giờ. Mẹ tôi chia đậu vào mấy rổ nhỏ bày ở một góc chợ. Bán xong mớ này lại lấy đậu từ mủng ra bày mớ khác.
Được đi chợ với mẹ những ngày ấy là cả một niềm hạnh phúc. Tôi được ngắm thỏa thuê những bộ quần áo mới, các đôi dép nhựa mới xanh đỏ tím vàng chỉ bày trong dịp gần Tết và hơn hết, được mẹ mua cho một chiếc bong bóng bay hình con thỏ. Tôi quấn sợi dây chỉ vào một thanh gỗ nhặt được và nắm thanh gỗ ấy thật chặt, sợ… thỏ bay mất.
Nào là vạt cải cây, xà lách, ngò mà tự tay tôi tưới nước mỗi buổi sáng còn hơi sương. Vạt đất ấy được rào bằng lưới để gà khỏi vào phá. Tôi vẫn nhớ đã tưới rau bằng cách múc gáo nước rồi đổ trên chiếc rổ cầm ở tay kia vì nhà tôi không có thùng tưới. Cải rẻ quá, mẹ không bán nữa mà đem muối hết vào một chiếc vại để ăn dần. Cách muối cải thì tôi chịu, chỉ biết muốn ăn phải vắt hết nước rồi trộn với rau ngò, chấm nước mắm, ngon hơn thì chấm mắm cái, bao nhiêu cơm cũng hết.
Mẹ tôi còn trồng cả cà chua, cà tím ở rẻo đất phía sau nhà. Đến mùa trái chín, tôi tha hồ dầm cà chua với đường nhâm nhi. Nhưng trong trí nhớ tôi, khi cà chín đã là vào mùa cuối xuân, nắng đã bắt đầu tràn trề ngay từ sáng sớm. Còn vào độ cuối đông, khi đất trời mới vừa ấm lại, thứ tôi được ăn nhiều nhất là những quả ổi sẻ đỏ ruột mà trong xóm, chỉ mình nhà tôi có. Cây ổi ấy đã chết héo từ lâu lắm mà hương thơm dịu nhẹ của những chùm ổi chín vàng vẫn như còn phảng phất đâu đây…
Kỳ lạ thay, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã sợ Tết. Có lẽ vì quá thích Tết nên tôi sợ Tết đến rồi lại đi mất để lại trong lòng mình nỗi tiếc nuối ngẩn ngơ cùng chuỗi ngày thường bình lặng. Mới mồng hai đã thấy vuột bay mất cả những mong chờ suốt một năm. Nhưng tôi lại thích, lại chờ đợi những ngày gần Tết ấy.
Cái không khí không quá náo nức, rộn ràng có lẽ tạo cho tôi một cảm giác yên bình hơn, an tâm hơn. Để giờ đây, cuộc sống thị thành chật chội, tháng ngày cứ đuổi nhau cuống quýt, khi gỡ lịch bất giác nhìn thấy con số nhắc đã rằm tháng mười một, tôi lại thèm được chạy về ngôi nhà xưa, hồn nhiên lại một mùa chuẩn bị Tết giữa cái rét ngọt mùa đông. Đó là mùa Tết của riêng tôi…
Tản văn: Ngô Thị Thục Trang