Mỗi năm, vào dịp Tết, hầu hết các tờ báo đều muốn xuất hiện sản phẩm của mình với những yếu tố cạnh tranh bất ngờ, về hình thức, nội dung và kể cả thời điểm “ra quân” trên các sạp báo. Có lẽ vì vậy, một trong những yếu tố được các tòa soạn quan tâm nhất, đó là: Bìa báo Tết. Bởi nó là gương mặt điển hình của tờ báo bắt đầu một năm mới. Nó càng trở nên đặc biệt, càng tỏa ra nhan sắc tươi vui, ấm áp, phóng khoáng... càng dễ được bạn đọc đón nhận.
Tranh ở các bìa báo Tết. |
Nhiều thập niên trước, các họa sĩ danh tiếng như Mai Văn Hiến, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Nguyễn Sỹ Ngọc… đều là những người đã từng tham gia vẽ tranh bìa báo Tết cho một số tờ báo trong kháng chiến chống Pháp. Kể lại một trong kỷ niệm đáng nhớ về chuyện vẽ bìa báo Tết thời điểm này, họa sĩ Phan Kế An cho biết: “Vào khoảng 1949-1950, tôi có nhiệm vụ phải làm bìa cho số Tết báo Sự Thật, nơi tôi công tác.
Bìa ấy yêu cầu là phải in màu. Các bạn cũng biết ngày ấy in màu là rất khó vì công nghệ in của chúng ta lúc bấy giờ vô cùng hạn chế. Trên bìa báo không phải một bức tranh, mà là trình bày sao cho đẹp mắt bốn câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi phải viết thư gửi Bác đề nghị Người viết cho bốn câu thơ chúc Tết đồng bào. Tôi đưa kèm theo khuôn khổ báo và đề nghị Bác viết trong khuôn khổ ấy. Nhưng không hiểu sao Bác lại trình bày dài hơn khuôn khổ của tờ báo.
Tôi đành viết thư sang phiền Bác viết lại. Lần này Bác lại viết hẹp hơn khuôn khổ báo. Tôi viết thư sang lần thứ ba. Lần này thì Bác viết vừa với khổ tờ báo. Vậy là tôi đã “làm phiền” Bác ba lần. Tôi mang bản viết tay của Bác về, bố cục hơi chéo vào một khuôn làm tương đối đơn giản, vì biết Bác không ưa những gì rườm rà, cầu kỳ. Đến nhà in, tôi trực tiếp trông coi việc khắc bản gỗ sao cho kích thước mỗi chữ được khắc đúng như kích thước mỗi chữ mà Bác viết, từ nét mảnh, nét đậm như thế nào. Khi báo Tết phát hành, anh em trong tòa soạn đều khen ngợi và Bác cũng tỏ ra rất hài lòng”.
Họa sĩ Phan Kế An nói rằng: “Hồi ấy, một số tờ báo mời các họa sĩ làm tranh bìa theo cách là bắt mình phải suy nghĩ rồi trình bày ý tưởng với họ, rồi tùy xem họ có chấp nhận ý tưởng đó không mà vẽ. Ngày đó đang kháng chiến nên hầu hết các tranh bìa báo Tết phải thể hiện được những nội dung cách mạng. Tôi nhớ có lần tôi làm tranh bìa “Những con thiêu thân trong thu đông tới” cho một tờ báo Tết.
Bức tranh vẽ hình ảnh những con thiêu thân lao vào đống lửa, một anh bộ đội Cụ Hồ đang nhóm đống lửa ấy. Những con thiêu thân là tượng trưng cho bọn thực dân Pháp. Báo ra, nhiều người rất thích bức tranh ấy. Riêng ông Thép Mới thì bảo, tranh tôi vẽ thú vị, nhưng mà những con thiêu thân trông đẹp quá, lẽ ra phải vẽ xấu đi một chút...”.
Sinh thời, họa sĩ Chóe, cũng là một họa sĩ rất được nhiều tờ báo ưa chuộng mời vẽ bìa và minh họa báo Tết. Ông đã bày tỏ về công việc này của mình: “Vẽ nhật báo thì cho nó sống một ngày, vẽ nguyệt san thì cố cho nó sống một tháng, còn vẽ báo xuân thì không dám cho nó sống một năm đâu [?] chỉ mong nó được tới Tết là mừng lắm rồi - vì tất cả báo xuân đều tập trung trả tiền nhuận bút trước Tết (...)”.
Họa sĩ Thành Chương, người tính đến thời điểm hiện nay, đã vẽ chừng trên dưới 100 tranh bìa báo Tết. Ông nói: “Khi vẽ tranh Tết, tôi bao giờ cũng dựa theo tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo. Tờ báo cho nông dân mình vẽ khác với tờ báo dành cho sinh viên, cho trí thức… Bìa báo Tết luôn luôn phải thể hiện được tinh thần hoan hỉ, vui tươi, vì đó là thời điểm thiêng liêng chào đón năm mới với rất nhiều ước mơ, hy vọng”.
Trong rất nhiều kỷ niệm vui về việc vẽ báo Tết, Thành Chương kể, anh từng biết có ông tổng biên tập báo trước khi tìm tới họa sĩ mời vẽ tranh bìa cho báo Tết phải xem tử vi xem tuổi của mình và tuổi của họa sĩ có hợp nhau không. Lại có vị khi xem tranh họa sĩ vẽ một cô gái áo mớ ba mớ bảy đang tham gia trò chơi dân gian đánh đu, làm bìa cho báo mình đã tần ngần ngỏ ý muốn họa sĩ bỏ giùm đi hai cái cột đu như hai cái nẹp ở hai bên bìa báo, vì trông nó có vẻ “kìm kẹp” quá, sợ cả năm sẽ gặp xui.
Lại có trường hợp, khi họa sĩ vẽ bức tranh ba cô gái quan họ, ông tổng biên tập báo nói số 3 không “phú”. Vẽ thêm một cô gái nữa thì vị này lại kiêng số 4, vì số 4 là số “đóng”. Rốt cuộc, để làm hài lòng vị khách của mình, họa sĩ lại vẽ thêm một cô gái nữa. Số 5 là số “sinh”, ông tổng biên tập rất vui mừng vì tin rằng tờ báo của mình sẽ có một năm “ăn nên làm ra”. Đó cũng là tâm lý chung của người Việt, luôn luôn mong muốn những điều tươi sáng nhất, rạng rỡ nhất, thành công nhất sẽ đến với mình trong một năm mới.
Tuy nhiên, điều quan trọng, theo họa sĩ Thành Chương, làm tranh bìa báo Tết là một nghề, có những yêu cầu riêng không phải họa sĩ nào cũng đáp ứng được, cho dù chúng ta có rất nhiều họa sĩ giỏi. Mỗi một tờ báo có những tôn chỉ mục đích riêng, phục vụ các đối tượng độc giả khác nhau nên các tranh bìa Tết phải phản ánh được tinh thần của từng tờ báo đối với xã hội. Họa sĩ khi vẽ phải luôn biết tiết chế cảm xúc của mình, phải làm sao dung hòa một cách nhuần nhuyễn giữa yếu tố nghệ thuật và tính đại chúng của báo chí. Nói chung là tranh ấy phải đẹp và tương đối dễ hiểu, dễ cảm.
Thuần túy nghệ thuật nhiều khi sẽ không phù hợp với bạn đọc, và tất nhiên các ông chủ báo cũng không dám dùng. Bên cạnh đó, Tết là thời điểm khép lại năm cũ đã qua và chào đón một năm mới đang tới, nên màu sắc của tranh bìa bao giờ cũng phải tươi sáng, rực rỡ để lấy may cho cả năm. Tết của người Việt mang một ý nghĩa truyền thống rất thiêng liêng, là lúc để mỗi người trong chúng ta tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn, dòng họ, là thời điểm để sum họp gia đình.
Vào dịp Tết, ở các làng quê Việt cũng diễn ra nhiều trò chơi mang tính truyền thống. Trên tinh thần như vậy, tranh bìa cho báo Tết cũng thường là giàu tính dân gian, thể hiện bởi các hình ảnh như các con vật, cô gái quan họ, trò chơi đánh đu, trẩy hội ngày xuân... Nói chung là sắc màu phải hết sức tưng bừng, hình ảnh tươi vui và sống động.
Đặc biệt, nói về hình tượng con trâu (một trong hai hình tượng quen thuộc trong tranh Thành Chương: chân dung và con trâu), chắc hẳn, Thành Chương sẽ có nhiều bìa báo Tết về đề tài này trong xuân năm nay. Ông nói: “Tôi sinh ra ở nông thôn, từng có tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ nên trong tiềm thức lúc nào cũng hiện lên hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ của con trâu và cánh đồng.
Người Việt ta có câu nói thật chính xác “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ở nông thôn, việc đánh giá một em bé ngoan hay không cũng là qua việc nó đối xử với con trâu như thế nào. Con trâu là hình ảnh biểu tượng cho nền văn minh lúa nước, biểu tượng cho văn hóa và kinh tế Việt Nam. Những năm tôi ở bộ đội, mỗi khi hành quân qua những ngôi làng, hình ảnh những đứa bé chăn trâu trên cánh đồng thường mang tới cho tôi một cảm xúc rất mạnh mẽ.
Hình ảnh con trâu gắn bó với nền nông nghiệp của nhiều nước châu Á, nhưng ở Việt Nam, tinh thần và tình cảm của con người với con trâu là rất khác biệt. Con trâu là một thành viên trong gia đình nông dân Việt Nam. Khi tôi vẽ con trâu tôi luôn cố gắng thể hiện tinh thần gần gũi, gắn bó mật thiết ấy”.
TRẦN TRUNG SÁNG