.

Xoong xà bần…

.

Sẽ là rất lạ nếu lớp trẻ quê thuộc thế hệ 8X đổ về sau nghe cái cụm từ trên. Một cụm từ thuộc hàng cổ ngữ - bởi nó đã chìm sâu trong bộn bộn những hoang hóa ngổn ngang của cấu trúc địa tầng ký ức. Ký ức đây là ký ức của cha anh - nghĩa là thuộc thế hệ đồ cũ, tóc đổ màu tiêu muối và mặt mũi hằn ngang dọc dấu… tích phân! Nói thế để tự an ủi rằng: dẫu ta là đồ cũ ta vẫn có cái ưu việt của đồ cũ khi đem so cùng đồ mới. Cái ưu việt ấy là… biết chuyện xưa và thích kể chuyện xưa! Mà cái xoong xà bần lại là một hình ảnh hết sức đặc thù và quen thuộc của Tết xưa; hay chính xác hơn: một hình ảnh kết thúc khá là ấn tượng của Tết xưa…

Vậy, xoong xà bần là gì?

Nói ngay cho dễ hiểu: xoong xà bần là xoong-thực-phẩm-hổ-lốn-đổ-dồn-nấu-chung-mọi-thứ-còn-thừa sau ba ngày Tết! Chắc chắn cái từ “xà bần” thì người Trung, người Nam chẳng lạ. Xà bần - có thể tạm hiểu là… hỗn hợp; nhưng là một kiểu hỗn hợp lộn xộn những thứ nhiều khi chẳng bà con mấy với nhau - nghĩa là “hỗn” nhiều “hợp” ít - hoặc có khi cũng chẳng cần phải “hợp”! Ghé mắt mà xem, thành phần của xoong xà bần quả nhiên đúng thế; thịt thà, chả, gỏi, nem, dưa, măng, v.v... và v.v... các kiểu - chỉ cần… ăn được là có thể lia tất tật chung vào một xoong mà nấu, mà kho! Và dưa cải.

Rất nhiều dưa cải muối chua của vụ rau xuân được độn làm nền cho xoong xà bần bớt đi ấn tượng ngán ngẩm vì nhiều… thịt mỡ; thứ thịt mỡ tàn dư của những bữa cỗ Tết từ ba mươi, mồng một kéo đến mồng 4, mồng 5! Cái món dưa cải rẻ tiền vậy mà xem ra lợi hại: mỡ béo quyện cùng vị chua ngọt cay hăng của cải khiến hương vị xà bần chừng như hấp dẫn hẳn lên. Hơn thế, với nhà nghèo, việc độn dưa kha khá còn giúp sức hữu hiệu để kéo dài “hạn sử dụng” của xoong xà bần - có khi đến hết tháng giêng. Mà đã gọi nhà nghèo thì ra giêng túng tiền đi chợ là chuyện đương nhiên; khỏi có luận bàn...

Lan man ngược dòng ký ức, chợt giật mình thấy cái ấn tượng… xà bần xưa quả cũng có lắm điều để ta ngẫm nghĩ. Chẳng hạn, có thể xem xoong xà bần là cái Tết thu nhỏ (hay Tết… rút gọn!) tường trình kín đáo tiện nghi Tết nhất của từng gia chủ. Trừ các thứ đồ ngọt (hoa quả, cốm bánh…) là không thể… vô xoong.

Còn lại, Tết xưa có món mặn gì thì hầu như xoong xà bần có món đó. Nói thế cũng có nghĩa xoong xà bần còn là cái thước đo điều kiện sống của mỗi nhà. Xà bần nhà giàu thì phong phú, thơm ngon, ít rau nhiều thịt. Xà bần kẻ khó thì ngược lại, ngồn ngộn phơi lưng toàn thị rau dưa! Thế nên đám trẻ nhà nghèo cứ đến bữa cơm lại sục sạo trong xoong xà bần mà mở cuộc săn: phát hiện được một miếng thịt hiếm hoi chơi trốn tìm tận đáy xoong là hí hửng reo to, xem như… kỳ tích!

Mà nói công bình, xoong xà bần từ rằm tháng giêng trở đi, nếu còn, vụt trở nên… ngon đáo để! Ừ, thời gian đã đủ dài để loại trừ cảm giác “no xôi chán chè” ba ngày Tết. Thêm nữa, công việc đòi hỏi nhiều vận động làm người ta ăn ngon miệng. Bây giờ đời sống đi lên, thịt trở thành món ăn thường nhật - chứ ngày xưa món thịt là hàng cao cấp; chỉ giỗ hoặc Tết người quê mới biết đến miếng thịt. Mà xoong xà bần - cho dù thịt bị vớt sạch sành sanh - chí ít vẫn còn… mùi thịt; bảo làm sao không ngon???

Riêng với bọn trẻ quê chúng tôi, xoong xà bần còn mang một ý nghĩa riêng. Ấy là sự níu kéo. Níu gì? Thì… níu Tết! Ừ, xoong xà bần như sợi dây cuối cùng nối chúng tôi cùng cái Tết. Còn Tết là còn vui - cho dù đã phải đi làm, đi học. Thế nên, năm nào cũng vậy, đến ngày cuối ăn cơm cùng cái xoong xà bần vơi tận đáy, tôi cứ chần chừ không muốn gắp! Và tôi nhớ mãi cái cảm giác lúc mẹ úp xoong, tuyên bố tỉnh khô: Vậy là hết Tết! Cảm giác ấy có cái gì tương tự như khi ta… bị rầy vô lý - nghĩa là nó cay cay nơi sống mũi và nước mắt chực tràn…

Tạp bút của Y Nguyên

;
.
.
.
.
.