.
Chuyện xưa xứ Quảng

Tết xưa, chơi bài... xạo

.

Cùng một bộ bài 60 con với 30 đôi, người Quảng có thể đánh bài chòi, chơi bài trùng hoặc bài xạo. Nếu hai hình thức trước còn duy trì đến ngày nay và được nhiều người biết đến thì cách chơi sau cùng đã sắp đến hồi tuyệt tích. Cảnh các cụ khăn đóng đen, áo dài chữ Thọ ngồi quây quần bên nhau đọ trí qua những hội bài xạo đầy cân não đã vơi dần qua các Tết.

Người giỏi chơi bài xạo hiện nay ở Đà Nẵng đều đã lên tuổi lão. (ảnh V.P.Q)

Xạo, theo giải thích của các cụ, là một cách gọi trại đi của từ “xảo”. Ngay bản thân cái từ “xảo” này cũng lắm nghĩa, nếu "tinh xảo" là tốt, mà "xảo trá", "xảo quyệt" lại mang nghĩa hoàn toàn xấu. Người chơi bài xạo theo kiểu quân tử là biết cách làm cho hội bài trở thành một cuộc đấu trí giữa những con người lịch lãm, cao thượng chứ không phải sát phạt nhau ăn thua đủ theo kiểu tầm thường.

Bộ bài 30 đôi (60 con) chia ra làm 3 pho. Pho Văn gồm các con bài có hình tròn như đồng tiền, pho Vạn có hình đầu người, pho Sách có hình sọc ngang song song với nhau. (Nhờ hình vẽ đặc trưng này mà các cụ xưa không biết chữ hoặc cầm ngược các con bài cũng có thể nhận ra chúng). Mỗi pho có 9 đôi bài (3 pho vị chi 27 đôi), còn lại 3 đôi được đánh dấu màu đỏ, cũng thuộc pho Sách. Vì sao có tên gọi như thế, không ai giải thích được, chỉ biết xưa bày nay bắt chước.

Mỗi hội bài xạo chỉ chơi được 4 người. Có 2 cách ăn bài: ăn liền theo pho và ăn thướng (thưởng). Từ 3 cây liên tiếp cùng pho trở lên gọi là liền bài (như tiến lên của bài tây). Ví dụ, nhứt văn (Gối), nhì văn (Bánh hai), tam văn (Bánh ba) là liền pho. Ngoài ra, có 4 bộ, mỗi bộ 3 con, tuy không liền pho, nhưng cũng được quyền ăn, gọi là ăn thướng. Các con bài không nằm liền pho hay thuộc bộ ăn thướng, gọi là "rác". Người nào sạch "rác" và có người đánh đúng con bài cuối cùng mình đang chờ là "tới".

Các "thuật ngữ" trong bài xạo được dùng thống nhất cho cả vùng Quảng Nam. Đánh con bài xuống mà không có ai ăn thì gọi là xạo (tỏ ý khen hay). Nếu cờ tướng có luật "hạ thủ bất hoàn" thì bài xạo cũng có luật "tọa tịch bất hồi" - bài đã đánh xuống chiếu rồi thì không được lấy lui. Ai (vô tình hoặc cố ý) quên không đặt tiền ra treo thưởng thì không cho ăn: “Vô cốc bất thực”. Gặp con bài ăn được thì ăn ngay: “Ngộ thực tắc thực”.

Ở Đà Nẵng, một trong những người trẻ tuổi nhất còn biết chơi bài xạo hiện nay là ông Nguyễn Nhựt (Mười Nhựt) ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Cha ông Nhựt là ông Hương Ngự (dân gian gọi là thầy Hương Ngự) một thời nổi tiếng khắp vùng không chỉ về tài coi ngày giờ, cho liễn đối, mà còn cả tài chơi bài xạo ít ai sánh nổi.

Bài xạo có từ bao giờ, không ai biết, từ thời ông cố của ông Nhựt đã có rồi. Đánh loại bài này rất khó, có khi cả tiếng đồng hồ không xong một hội (một ván), nhưng cũng có khi cầm bài lên đã tới rồi. Ông Nhựt ngồi học lóm trường kỳ không biết mấy năm, cha ông mới cho cầm tới con bài. Tuổi trẻ ngày nay có thông minh lắm cũng phải học mấy tháng mới chơi được. Có phải vì thế mà người biết chơi bài xạo ở Quảng Nam-Đà Nẵng hiện nay không còn mấy người? Ở Quế Sơn nghe đâu còn vài xóm, ở Hòa Vang thì chỉ riêng xóm Bàu Rô thuộc thôn Phước Hưng còn được khoảng chưa tới 20 người.

Người cao tuổi nhất ở xóm Bàu Rô biết chơi bài xạo hiện nay là ông Huỳnh Toán, thiếu 1 tuổi đầy 90. Ông Toán từng theo dõi những hội bài nẩy lửa giữa ông Phó Minh ở Phú Thượng (nay thuộc xã Hòa Sơn) và ông Hương Ngự. Ông Minh ruộng đất nhiều vô kể, thừa tiền mua ruộng vô tới Phước Hưng, mua luôn chức phó tổng để danh giá với đời.

Ông Phó Minh từng đi với vợ vào Phước Hưng chơi bài xạo. Lúc đầu, chỉ đánh chơi xã giao ngày Tết mấy hội cho vui. Nhưng được một lát, ông Phó Minh nổi hứng đòi đặt tiền treo thưởng cao dần lên, cuối cùng đem cả ruộng đất ra đánh cược. Có điều, càng cay cú, ông càng thua to, phải ký văn tự cầm cố đất ruộng cho ông Hương Ngự và ông Hội Quờn, cũng người làng Phước Hưng.

Sau chuyện này, các bô lão làng Phước Hưng căn dặn con cháu mỗi khi chơi bài xạo phải có kỉnh có nhường; không cãi cọ, ồn ào; không ăn thua, sát phạt. Cờ bạc là bác thằng bần. Đánh lớn thì thua lớn. Chỉ tiêu khiển trong 3 ngày Tết để vừa giải trí, vừa giữ nếp văn hóa cổ truyền.

Tết rồi, các bô lão làng Phước Hưng ngồi lại với nhau làm mấy hội bài xạo để khỏi… quên bài. Những người "trẻ" biết chơi loại bài gần tuyệt tích này như ông Mười Nhựt cũng đã trên 50 tuổi. Đây là một thú tiêu khiển ngày Tết đậm nét dân gian, rất đáng được các nhà nghiên cứu cất công sưu tầm, bảo lưu trước khi nó biến mất trong kho tàng văn hóa dân gian.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.