.

Đêm xuân Mỹ Sơn

.

Tôi đến Mỹ Sơn không nhớ đã bao nhiêu lần, mà mỗi lần đến, với tôi… không cũ. Bởi vì Mỹ Sơn huyền bí của ngày xưa và hôm nay vẫn thế! Bây giờ chiến tranh đã lùi xa. Mỗi ngày, tôi cũng như hàng ngàn du khách đến với Mỹ Sơn, đều ngẩn ngơ nuối tiếc cho những ngọn tháp kỳ vĩ không còn nguyên vì thời gian, bom đạn. Nhưng đó là lịch sử. Hôm nay những ngọn tháp còn lại tồn tại với rừng qua mỗi mùa xuân và được vinh danh: Mỹ Sơn - Di sản Văn hóa thế giới!

Những du khách đặc biệt

Mỹ Sơn trong đêm trăng.
Sau Tết, vào ngày rằm, mở đầu cho công việc của một năm, tôi lại về thăm Mỹ Sơn. Không phải đến để khấn nguyện cầu xin phước lành. Có chăng, mong mỏi những ngọn tháp tồn tại mãi với thời gian.

Tháp Mỹ Sơn trong đêm trăng nhìn đẹp tuyệt vời! Để chụp tháp trong đêm, có một tấm ảnh đẹp đúng nghĩa, thì cực kỳ khó. Vì là Di sản Văn hóa thế giới, nên những người quản lý ở đây bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nhờ vào nhiều lần tôi ở lại đêm với Mỹ Sơn, nên được các anh ở đây thông cảm. Vì thế tôi tự do lặn lội trong tháp tìm góc độ để thể hiện.

Chờ khi trăng sáng đổ đầy tôi mới bấm máy. Nhìn toàn cảnh đẹp lộng lẫy. Mỗi ngọn tháp dưới trăng như một kiệt tác, thỉnh thoảng mây che khuất trăng, tháp chìm trong đêm u tịch. Rồi lại hiện ra đẹp mơ màng.

Đêm ở lại Mỹ Sơn, tôi được nghe kể về nhiều chuyện, mắt thấy tai nghe của những người canh giữ tháp. Họ kể về một đoàn người lùn nhất thế giới, đến thăm tháp Mỹ Sơn. Trong đó có người lùn đứng chỉ bằng tượng Linga tại Khu B! Đó là Đoàn người lùn của khối ASEAN, họ đi thăm những di tích nổi tiếng của các nước trong khu vực. Và Mỹ Sơn là điểm đến cuối cùng sau Angcor Wat. Qua hướng dẫn viên, trước khi chia tay, họ cũng tiếc cho hàng loạt kiệt tác tháp do bom Mỹ đánh sụp. Họ kể về Đoàn du khách khác rất ấn tượng và lạ đời đến thăm tháp.
 
Cả đoàn gồm nam nữ vào thăm từng khu của di tích. Vào thăm trong lòng tháp, ánh sáng không có, tối om mà ai cũng mang toàn kiếng đen. Thì ra, họ là những người khiếm thị ở xứ sở Mặt trời mọc. Qua đôi bàn tay, họ cũng bình luận, phân tích, cảm nhận từng viên gạch, tượng, phù điêu như những người am hiểu sáng mắt. Đôi bàn tay họ, như có thần linh, trước khi tạm biệt, họ chọn ngọn tháp còn nguyên vẹn để làm phông chụp ảnh kỷ niệm sau lần đến thăm.

Và đầu xuân 2008, có một du khách Mỹ đến thăm tháp, rồi sau đó mất tích trong đêm. Ban Quản lý Di tích hoảng loạn đổ xô đi tìm trắng đêm, cho đến ngày hôm sau mới phát hiện ra trong hang Đá Rương tại rừng sâu cách tháp 4km. Qua một đêm, ông chứng kiến các loài rắn độc, tiếng gầm của thú rừng…kinh hoàng. Nhưng rất may mắn ông không hề gì, chỉ có trọn một đêm ông mất… ngủ. Vậy ra, vị du khách này có bố đã từng tham chiến ở Việt Nam thời 1968-1969.
 
Sau này người cựu chiến binh Mỹ kia, kể với con về nơi đóng quân là đỉnh núi Hòn Đền ở độ cao hơn 800 mét. Tại đây trong mọi hướng nắng, nhìn toàn cảnh rừng và tháp rất đẹp. Đặc biệt là đêm trăng, tháp Mỹ Sơn quá huyền ảo. Lời kể về rừng và tháp Mỹ Sơn của bố mình quá hấp dẫn, ông cố tìm đến đỉnh Hòn Đền, để chụp ảnh nơi bố mình đã ở ngày xưa, để về Mỹ “báo công” với bố sau chuyến đến Mỹ Sơn.

Rồi có những du khách quá khâm phục cho những kiệt tác tại đây, òa lên khóc nức nở sau khi hướng dẫn viên nói về Khu A có nhiều ngọn tháp kỳ vĩ, đã bị bom tọa độ của Mỹ rải thảm san bằng. Trăng về khuya, sáng vành vạnh. Những người giữ tháp, ai cũng kể nhiều chuyện về Mỹ Sơn cực kỳ hấp dẫn. Còn tôi ngồi nghe như bị thôi miên giữa đền tháp trong trăng.

Bí ẩn rừng quanh tháp

Tiếng kèn Saranai của lão nghệ nhân Trượng Tốn.

Cách đây hơn 10 năm, ai đến thăm tháp, cũng đau thương cho rừng. Hằng ngày có hàng trăm người chuyên lùng sục trong rừng. Họ khai thác gỗ, đốt than, săn bắt thú rừng, rà tìm phế liệu… Họ xem của rừng như tài sản chính họ làm ra, mạnh ai nấy lấy. Nên tháp thời đó chung quanh không có màu xanh. Anh Hường - Trưởng ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn kể về rừng như thế. Và cũng chính anh, là “người hùng” dám tuyên bố “Có rừng xanh, tháp mới còn!” Anh và những người cộng sự, cần mẫn canh giữ tháp và rừng.

Gần 1.200 ha rừng đã hồi sinh với những loại gỗ quý hiếm như: trắc đỏ, giẻ đỏ, trâm, cốc… Nhiều loài thú quý hiếm lần lượt tìm về. Gà rừng, gấu ngựa, heo rừng, sóc bay… sống thành bầy đàn và luôn luôn được những người trong Ban Quản lý Di tích bảo vệ nghiêm ngặt. Vài con nai và mấy con mang, cũng đã về lại với rừng.

Niềm vui hồi sinh về rừng, cũng có những điều buồn gần như bí ẩn. Cách đây hơn 1 năm, anh em đi tuần tra trong rừng, nhìn thấy gần 100 con heo rừng tự nhiên đồng loạt chết. Anh em vội vàng chôn cất - vì sợ dịch. Rồi cứ nghĩ heo rừng sẽ tuyệt chủng tại rừng tháp, nhưng sau đó không lâu, anh em đi tuần tra, rất vui mừng thấy đàn heo rừng xuất hiện nhiều hơn. Lần khác, anh em lại bắt gặp nhiều loài rắn xuất hiện hàng trăm con bên núi Đá Rương, v.v…

“Nhưng mà buồn quá anh ơi!”. Anh Hường chợt nói: “Chúng tôi lo canh giữ tháp và rừng. Những người đặt bẫy, đi săn thì lợi dụng sơ hở của anh em để tàn phá loài thú quý”. Anh lặng lẽ nâng chén rượu buồn.

Ánh trăng nguyên vẹn, sáng trọn một đêm. Bây giờ, trăng sắp về hướng tây - bên kia sông Thu Bồn. Tiếng con mang đơn độc còn lại với rừng kêu thảm thiết, lạc lõng giữa hàng chục tiếng gà rừng, vang gáy réo gọi bình mình. Tôi cũng chia tay với các anh, đến ngôi nhà dài, nghe tiếng kèn Sanarai của lão nghệ nhân Trượng Tốn biểu diễn. Bên kia núi Chúa, nắng lên. Những ngọn tháp cũng lung linh trong nắng. Từng đoàn du khách thập phương đi vào thăm tháp.

Sau một đêm nghe nhiều chuyện bí ẩn, tôi trở về, nắng đong đầy lối đi. Bỏ qua tất cả, và tôi nghĩ, còn gì tuyệt vời hơn: Mùa xuân Mỹ Sơn, ngày nắng, đêm trăng!

Vũ Công Điền

;
.
.
.
.
.