.
CỬA SỔ TRI THỨC

Hợp long

.

* Trong quá trình xây dựng cầu, có một công đoạn gọi là “hợp long”. Xin cho biết “hợp long” nghĩa là gì? (Nguyễn Văn Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Hợp long cầu Thuận Phước, thành phố Đà Nẵng.  (Ảnh: H.H)

- “Hợp long” (hoặc “hiệp long”) có nghĩa là “rồng hợp thành với nhau”. Trong công trình xây dựng cầu, việc thi công được tiến hành từ hai đầu cầu đến giữa cầu. Khi nối hai phần gặp nhau ở giữa cầu, người ta gọi là “hợp long”, ý nói chiếc cầu giờ đã được nối liền như hai con rồng gặp nhau, thỏa sức vùng vẫy trên sông nước.

Theo các chuyên gia, “hợp long” được thực hiện trong quá trình thi công cầu đúc hẫng: trụ cầu được xây dựng trước, sau đó mắc đà giáo vào thân trụ và đổ bê-tông (trên đà giáo này) về hai phía. Sau khi khối bê-tông trước khô, mắc đà giáo lên chính khối bê-tông này để đổ tiếp đoạn tiếp theo. Dần dần, phần bê-tông dầm của hai trụ liền nhau cuối cùng sẽ được đổ dài tới mức gần chạm vào nhau. Đến lúc ấy, người ta sẽ “hợp long” cây cầu: thi công đốt cuối cùng để nối hai phần dầm đúc hẫng từ hai trụ ấy với nhau. Đốt nối hai phần dầm ấy gọi là đốt hợp long.

Nói thêm, từ Hán Việt có từ “hạp long”, nghĩa là hàn chỗ đê vỡ.

Bia Thoại Sơn

* Tôi nghe nói Việt Nam có 3 tấm bia cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, trong đó có bia Thoại Sơn. Bia Thoại Sơn được hình thành như thế nào? Hai tấm bia còn lại ở đâu? (Trương Xuân Ba, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bia Thoại Sơn ở Đình thờ Thoại Ngọc Hầu, An Giang. (Ảnh: Wikipedia)

- Trong 3 bi ký (bài ký khắc trên tấm bia) nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay, tỉnh An Giang vinh dự được 2: Bia Thoại Sơn ở Đình thờ Thoại Ngọc Hầu tại triền núi Sập, huyện Thoại Sơn, và bia Vĩnh Tế Sơn ở Núi Sam, Châu Đốc. Bia còn lại là bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa, được lập vào năm 1433.

Sau khi đào thành công kênh Thoại Hà vào năm 1818, để đánh dấu công trình vĩ đại này, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần, nay là ngôi Đình thần thờ Thoại Ngọc Hầu tại thị trấn núi Sập, huyện Thoại Sơn.

Bia Thoại Sơn được tạc bằng đá quý có chiều cao khoảng 3m, chiều ngang 1,2m, dày 0,2m, được chạm khắc hoa văn tinh xảo, trên đầu bia khắc hai chữ đại tự “Thoại Sơn”, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán lớn nhỏ. Bia Thoại Sơn có một áng văn hay, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và còn là di tích lịch sử nổi tiếng. Bia hiện vẫn còn ở nguyên vị trí ban đầu trong đình, nét chữ trên mặt bia còn sắc và đẹp.

Ngày 28-9-1990, bia Thoại Sơn đã được Bộ Văn hóa ra Quyết định số 993/VH-QĐ công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thơ Việt âm Pháp

* Thời Pháp thuộc, trong dân gian xuất hiện một số bài thơ Việt đọc âm theo tiếng Pháp như “Đờ puy cờ dơ tơ co nét/ Duýt ki sì đít sếp ta nê”. Những bài thơ loại này rất vui, nhưng tôi nhớ không đầy đủ, xin quý báo giới thiệu lại cho. (Nguyễn Văn Hà và một số cụ cao tuổi ở thành phố Hội An, Quảng Nam).

- Bài thơ trên đầy đủ là: “Đờ-puy cờ dơ tơ co-nét/ Duýt ki-sì đít sếp ta-nê/ Mà bây chừ đành phải kít-tê/ Ôi bóp nát mông cơ giờ ly biệt”. Nguyên văn tiếng Pháp là: Depuis que je te connaisse (kể từ khi anh em quen biết)/ Jusque ici dix-sept années (đến nay là mười bảy năm y); kít-tê = quitter (từ biệt), mông cơ = mon cœur (trái tim).

ĐNCT

;
.
.
.
.
.