.

Văn hóa quảng cáo

.

Quảng cáo - tiếp thị sản phẩm, hàng hóa là một hoạt động tất yếu của sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường. Mục đích của quảng cáo là giới thiệu sản phẩm, tạo sự chú ý đặc biệt của khách hàng và chất lượng, mẫu mã, công dụng và giá cả, làm cho người tiêu dùng thích thú tin tưởng mua sắm sản phẩm đó.

Hình ảnh quảng cáo ô-tô và điện thoại di động trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sự nở rộ của các loại hình quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cũng nảy sinh không ít vấn đề bất cập, gây khó chịu đối với người tiêu dùng. Đó là tình trạng quảng cáo dai, quảng cáo dài, quảng cáo không đúng với sự thật, ý tưởng trùng lặp, hình ảnh phản cảm, thậm chí nhiều hình ảnh quảng cáo rất phản văn hóa, không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Có lẽ, không ít người tiêu dùng nước ta đã bội thực với những cụm từ “chất lượng hảo hạng”, “siêu hạng”, “siêu bền”, “siêu mỏng”, “tốt nhất thế giới”, “ngon nhất thế giới”, “đặc trị bách bệnh”, “độc quyền phân phối”... trong các thước phim quảng cáo hiện nay. Sản phẩm nào cũng được khẳng định là tốt nhất, ngon nhất, đẹp nhất rồi thì người tiêu dùng cần gì đến thông tin quảng cáo. Chính từ những sự xảo ngôn, phóng đại, sáo rỗng của các nhà làm quảng cáo, tạo cho người tiêu dùng cảm giác hoài nghi, không mấy tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, thậm chí xa lánh loại sản phẩm đó, do ấn tượng khó chịu mà quảng cáo mang lại.

Ngôn ngữ quảng cáo thì “một tấc lên trời” như thế, còn hình ảnh quảng cáo thì sao? Nhờ kỹ xảo điện ảnh, rất nhiều thước phim quảng cáo đã được dàn dựng công phu, nhưng hiệu quả lại không đạt được như mong muốn. Bởi sự chắp vá lạm dụng các hình ảnh bạo lực, hành động khiếm nhã rất phản cảm, không chuyển tải được nội dung cần quảng cáo, làm cho người xem bực mình thất vọng. Có người mở ti-vi thấy đoạn phim quảng cáo ấy là tắt ngay không xem. Đơn cử, như thước phim quảng cáo một loại bột giặt, nhà quảng cáo đã xây dựng cảnh hai chàng trai phải phi thân đá, đấm vào nhau trên toa tàu làm một người phải rơi xuống vũng bùn, rồi buộc anh ta vào đuôi ngựa kéo lê qua nhiều vũng bùn khác, quần áo lấm lem và chỉ có loại xà phòng của hãng ấy mới giặt sạch.

Thật là phản văn hóa, không thể chấp nhận được, nó đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”. Hay như quảng cáo cho một loại điện thoại di động siêu mỏng, cô gái và chàng trai dùng điện thoại xông vào đánh nhau áo quần đứt từng mảng, rơi lả tả, sắc hơn dao... Quảng cáo cho một loại đồng hồ không bị thấm nước, nhà quảng cáo đã cho cô gái và chàng trai đứng bên bờ vực và chàng trai đã cố tình đẩy cô gái mang theo chiếc đồng hồ rơi xuống vực nước, sau khi vớt lên đồng hồ vẫn chạy tốt... Thật là bất nhẫn khi xem những pha quảng cáo như thế. Người Việt ta thường có câu “của cho không bằng cách cho”, phương cách quảng cáo nghèo văn hóa đã phá vỡ ý tưởng quảng cáo giới thiệu sản phẩm ban đầu.

Có thể nói, những đoạn phim quảng cáo tương tự như trên kể ra rất nhiều, rất ấn tượng, nhưng là những ấn tượng hụt hẫng,  thất vọng. Quảng cáo không chỉ đơn thuần là những thông tin cứng nhắc về sản phẩm mà còn là nghệ thuật thu hút sự tập trung chú ý của người tiêu dùng, thông qua các slogan ngắn gọn khái quát mà đầy đủ, hình ảnh, hành động ấn tượng mà nhân bản, phù hợp với tâm lý truyền thống, mỹ tục tập quán của mọi người. Sự lạm dụng một cách thái quá các cách nói xảo ngôn, hình ảnh bạo lực, hành động khiếm nhã... đang làm cho người tiêu dùng xa lánh các chương trình quảng cáo, thậm chí bực bội ghét lây đến các sản phẩm được đưa ra quảng cáo.

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét nghiêm túc về vấn đề này, để có một chiến lược đào tạo nguồn nhân thực chuyên sâu cho ngành công nghiệp quảng cáo, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có độ tinh nhạy văn hóa cần thiết trong thế giới hội nhập. Quảng cáo và văn hóa quảng cáo là hai mặt song hành của một vấn đề, những nhà tổ chức các chương trình quảng cáo không đơn thuần là nhà kinh doanh, mà phải thực sự là nhà văn hóa. Có như vậy, hiệu quả quảng cáo mới thiết thực, thu hút người tiêu dùng, đem lại lợi ích cho nhà sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc.

NGÔ MINH THUYÊN

;
.
.
.
.
.