Thật khó hình dung một đại gia đình có truyền thống làm nghệ thuật từ ông đến cha, từ cha đến cháu. Mà tất cả đều là những nghệ sĩ có tên tuổi và đẳng cấp. Khi tâm sự với tôi, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không giấu được niềm vui khi kể về bố mình, nhà văn Kim Lân, người thầy đầu tiên dẫn dắt chị và các em mình đến với hội họa.
Tiếp được lửa “đầu nguồn” nghệ thuật
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Kim Lân, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà văn Hiền Phương (từ phải qua). |
Càng thú vị khi biết những người con của hai vợ chồng ông ( bà Nguyễn Thị Tám, vợ ông là em ruột của nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy) lại nổi tiếng ở một lĩnh vực khác hẳn bố, đó là hội họa. Ông bà có bảy người con thì năm người là những họa sĩ tên tuổi trong làng mỹ thuật. Đó là các họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Nguyễn Mạnh Đức, Từ Ninh và Nguyễn Việt Tuấn.
Từ bé đã sống trong chiếc nôi văn chương, được tiếp xúc hằng ngày với các nhà văn, học giả nổi tiếng như Nguyễn Huy Tưởng, Phan Khôi, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Huy Cận, Văn Cao, Bùi Xuân Phái… nên chị em Nguyễn Thị Hiền - Thành Chương đã tiếp được lửa “đầu nguồn” nghệ thuật. Bức tranh đầu tiên gắn với một kỷ niệm tuổi thơ. “Giải phóng Thủ đô, bố đưa tôi về Hà Nội những ngày đầu tiên. Tôi đã nhớ và vẽ lại quả đồi nơi ở ngày sơ tán.
Bố xem và bảo vẽ được!...”. Với sự khích lệ, chị đã gửi tranh dự thi và bất ngờ đã đoạt giải nhất cuộc thi tranh quốc tế do Bungari tổ chức năm 1956 dành cho trẻ em. Sau đó chị tiếp tục vẽ và mỗi lần gửi dự thi lại một lần đoạt giải cao. Nhà văn Kim Lân cũng chính là đề tài mà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ “không mệt mỏi”, “không vơi cạn cảm xúc”. Chị đã vẽ chân dung bố mình rất nhiều bối cảnh, giai đoạn. Nhưng theo chị “cha tôi đặc biệt yêu thích bức tranh tôi vẽ ông vào năm 1970”.
Hội họa, thập giá của tình yêu
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bên giá vẽ thời niên thiếu. (Ảnh: Đông Dương) |
Trước hết là ý thức “khổ luyện”. Chị luôn tâm niệm lời dạy của bố “Lúc sáng tác phải là người tự do nhất. Là chính mình”… Bạn bè làm một chúng tôi làm mười. Lúc nào cũng vẽ, vẽ và vẽ. Hai chị em đều học rất giỏi, hình họa, trang trí, phối màu sắc… Theo biểu đồ sáng tập tĩnh vật, chiều vẽ phong cảnh, tối luyện ký họa. Trong triển lãm thu hoạch, nếu phòng tranh bốn mặt tường thì đã hết ba mặt treo tranh của tôi và Chương. Một nỗi khổ khác khi có điều kiện bố cho chúng tôi gặp các nghệ sĩ nổi tiếng nhưng được xem là “Nhân văn Giai phẩm”, là “có vấn đề” thời ấy như họa sĩ Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái… Chị em tôi tiến bộ rất nhanh, nhưng cũng phải chịu những thiệt thòi và cả sự cô đơn.
Một lần chúng tôi học chuyên đề hình họa với các chuyên gia Liên Xô. Tôi vẽ rất chuẩn nên được khen. Nhưng chính lúc ông chuyên gia cầm lấy chiếc cặp của tôi đưa lên thì trong ấy rơi ra những bức tranh nổi tiếng của các danh họa Picasso, Matis, Savador Dali… cắt từ sách báo châu Âu sưu tập được của bố tôi. Thế là tôi bị đưa lên ban giám hiệu nhà trường. Ngày ấy chỉ có hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các thầy hỏi tôi từ đâu có những bức tranh? Có biết làm như vậy là sai, chưa được phép?... Tôi nói: “Em thấy những bức tranh rất đẹp và chỉ muốn xin lại” (!?). Các thầy ngẩn ra: - “Vậy là em chưa biết lỗi của mình ư?”.
Lúc đó tôi mới 12 tuổi. Nhưng cách suy nghĩ, lập luận về cái đẹp hội họa với quan niệm giáo điều của nhà trường đã khác nhau lắm rồi! Nghệ thuật thật sự là cô đơn một cách kinh khủng. Ngay chính cả những người thân của mình cũng không thể chia sẻ được. Yêu cũng vì nó mà buồn cũng vì nó. Đôi lúc ngã gục, tưởng đâu sẽ đầu hàng số phận nhưng cuối cùng lại vì nó mà đứng dậy. Phải chăng người nghệ sĩ không sống bằng lẽ thông thường. Họ sống bằng những lẽ hơi mơ hồ nhưng lại tưởng như rất đẹp, rất thực trong cuộc đời của mình. Sống và chết trên thập giá của đam mê và tình yêu!...”.
Cánh buồm đỏ thắm hay đường đến chân trời
Cũng chính từ những quan niệm nghệ thuật “quyết tử” đó, chị đã có một tình yêu rất đẹp với nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tuy không đến được với nhau nhưng chị thú nhận chưa bao giờ quên được tình yêu ấy. Lưu Quang Vũ cũng đã viết rất nhiều bài thơ cháy bỏng tặng chị: -Một tình yêu không biết nói cùng ai / Đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn / Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng (Em, tình yêu những năm đau xót và hy vọng).
Quan niệm đó không chỉ định hình thời trẻ mà càng lúc càng quyết liệt trong chị, hình thành nên một tính cách và nhân cách. “Thành công trong nghệ thuật cần có một chút gì của trời cho. Một tài năng bẩm sinh cũng giống như một hạt giống tốt. Nảy mầm thành cây, ngoài chăm bón cần có mảnh đất màu mỡ. Ngoài ra còn phải nỗ lực tự thân. Không đam mê, lao động nghiêm túc thì không thể đi lâu bền và phát triển…”.
Đó cũng là chân lý thực hành khi chị dạy cô con gái rượu của mình, nữ họa sĩ Lê Hiền Minh. “Đâu khoảng năm 1989, tôi bị bệnh nặng, bác sĩ nghi là ung thư, tưởng chết. Tôi nghĩ mình đã để lại gì cho con? Tiền bạc, tranh hay là nhân cách sống? Và tôi đã nhận ra chân giá trị lớn nhất của cuộc đời là cuộc sống của chính mình. Cái mình đang có: cuộc sống! Mọi thứ ngoài ra vô nghĩa. Tại sao không biết quý?”.
Lê Hiền Minh hiện sống ở Mỹ cùng chồng là nghệ sĩ Gregory Max Jewtt danh tiếng. Nhiều lúc nghĩ về con, lòng chị tràn đầy thương cảm. “Xét đến cùng mỗi người ai cũng mang trên vai nghệ thuật và số phận mình. Dù đường xa nhưng tôi biết con tôi sẽ trả giá như tôi từng trả giá và sẽ được ân sủng như tôi từng nhận được ân sủng. Con người may mắn nhất, hạnh phúc nhất là lựa chọn và tìm đúng được công việc mà mình yêu thích...”.
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH