L.T.S: Đến nay các giả thuyết về xuất xứ của danh xưng Đà Nẵng vẫn chưa có được sự đồng thuận cao của các nhà nghiên cứu. Đà Nẵng cuối tuần xin giới thiệu bài viết dưới đây, qua khảo sát thực địa ở Đà Nẵng và nghiên cứu những địa danh cổ viết bằng chữ Hán của tác giả, góp thêm một tư liệu vào công cuộc truy nguyên tên gọi Đà Nẵng xưa.
Chữ châu trong “Hải Châu Chánh xã” ở trước đình làng Hải Châu có nghĩa là bãi cù lao. (Ảnh: V.T.L) |
Theo như tên gọi, Hải Châu xưa là hòn cù lao, chia sông Hàn ngày đó ra làm hai nhánh. Nhánh bên hữu là dòng sông ngày nay. Nhánh bên tả rộng hơn, chảy băng qua trung tâm thành phố ngày nay, rồi ra bãi biển Thanh Khê, Hà Khê, Thanh Bình theo hình rẽ quạt. Cửa vào nhánh sông này (có thể) từ đường Thái Phiên vào đến Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2-9 ngày nay. Chính nhánh sông này đã minh chứng căn nguyên cho địa danh Đà Nẵng về sau.
Nhiều thế kỷ trôi qua, nhánh sông bên tả một phần bị phù sa bồi lấp dần dần (giống như sông Cổ Cò), một phần thì bị vùng đất liền và núi Phước Tường chài lấp sau những trận mưa lũ. So với vùng đất bồi lấp, vùng đất chài lấp thường tốt hơn, nên những xóm dân cư cũng mọc lên sớm hơn. Đến khi phù sa lấp kín cửa vào thì nước sông Hàn cũng hết chảy vào đây, để lại một khu đất rộng lớn mênh mông, ngổn ngang cồn đồi, gò bãi và lởm chởm những ao, bàu, mương, vũng lớn nhỏ.
Đến lúc đó, cù lao đã hết cô lập, phía Tây và Nam của nó đã nối liền khu cát bồi, nhưng tên gọi Hải Châu thì vẫn tồn tại với ngữ nghĩa như đã nói trên.
Vậy là, cả một miền đất rộng lớn, gồ ghề, xâu xấu ấy bị nhà nông chê, thoạt đầu bỏ hoang nhưng phải mang cái tên khai sinh là “Đà Nẵng”. Trong chữ Hán, chữ đà (沱 - bộ thủy 氵) có nghĩa là nhánh sông hoặc sông nhánh; chữ nẵng ( 曩 - bộ nhật 日, còn đọc là nãng) có nghĩa là xưa kia, ngày xưa. Đà Nẵng có nghĩa chung là “Ngày xưa là nhánh sông”, hoặc “Nơi đây xưa kia là nhánh sông bị bồi lấp”.
Tên gọi Đà Nẵng ra đời cùng một lần với các làng xã chung quanh (có thể từ năm 1400 thời nhà Hồ đến năm 1490 lúc vua Lê Thánh Tôn lập bản đồ lần cuối), lúc đầu không thuộc địa danh hành chính mà thuộc địa danh định vị. Đó là một khu đất rộng lớn có địa thế quan trọng nhưng chưa thành hình làng xã để có tên trong bản đồ hành chính. Các quan chức địa bộ thời bấy giờ thấy rất cần một cái tên cho khu đất này để lập đường ranh giới, xác định vị trí cho các làng xã khác ở chung quanh nó. Tên ấy phải lựa chọn phù hợp thực tế, phản ánh đúng thực địa, theo truyền thống “xem mặt đặt tên” của tiền nhân. Hai chữ “Đà Nẵng” ra đời trong bối cảnh ấy, nhưng còn “bỏ hoang” trong địa bộ, chưa ai biết đến nhiều.
Nhánh bên hữu của cù lao Hải Châu xưa là sông Hàn ngày nay. (Ảnh: V.T.L) |
Những giả thuyết nêu trên là kết quả của sự khảo sát thực địa và nghiên cứu các địa danh theo tinh thần Đại Việt 100%. Người xưa đã chọn lọc từng chữ cho mỗi địa danh mà mỗi khi nghe đến, người phương xa cũng đoán biết một phần thực cảnh nơi đó. Ở Đà Nẵng, có nhiều địa danh như thế. Liên Trì (liên 蓮: hoa sen; trì 池: cái ao) có nghĩa là ao sen, như thế có thể đoán biết nơi đây xưa kia là vùng có nhiều ao hồ, đất vườn, ruộng lúa (Liên Trì là một trong 66 xã ghi trong Ô Châu cận lục). Đà Sơn (陀 山), cùng một tiếng “Đà” như Đà Nẵng, nhưng khác bộ thủ nên chữ đà này có nghĩa: “Chỗ đất gập ghềnh”. Đà Sơn có nghĩa chung là “vùng đất núi gập ghềnh”. Sơn Trà (山茶) có nghĩa là cây chè trên núi hoặc nói: “Trong núi có cây Sơn Trà thuộc loại cây trồng cảnh” (lá xanh, bông trắng hoặc bông đỏ).
Hải Châu và Đà Nẵng có thể đã có một mối quan hệ như thế, trong sự hình thành địa danh Đà Nẵng ngày xưa.
Lê Văn Tất