.

Phát triển thư viện phục vụ “Tam nông”

.

Trong điều kiện thị trường sách, báo ở nông thôn chưa phát triển, giá sách quá cao so với thu nhập của người nông dân… thì thư viện, tủ sách công cộng ở nông thôn có vị trí hết sức quan trọng.

Hằng năm, Thư viện Khoa học - Tổng hợp Đà Nẵng đã luân chuyển hàng trăm bản sách về các thư viện quận, huyện, xã, phường để phục vụ “Tam nông”.

Ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng cho biết, công cuộc đô thị hóa nông thôn hiện nay đòi hỏi phải chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực này, phải phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh phong trào làng, xã văn hóa, phục hồi và phát triển văn hóa truyền thống. Tham gia vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn hiện nay gồm rất nhiều thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở…

Thế nhưng, tại thành phố Đà Nẵng, hệ thống thư viện, tủ sách công cộng từ sau khi chia tách (1997) đến nay cũng chỉ gồm 1 thư viện thành phố, 3 thư viện cấp quận, huyện (Hòa Vang, Sơn Trà, Cẩm Lệ), 24 tủ sách cấp xã, phường, 30 tủ sách cộng đồng dân cư, khối phố, 13 điểm bưu điện-văn hóa xã và tủ sách các đồn biên phòng.

Bình quân thư viện cấp quận, huyện có từ 10 nghìn đến 20 nghìn bản sách, 35 đến 45 loại báo, tạp chí, hằng năm được cấp kinh phí bổ sung từ 20 đến 30 triệu đồng sách báo; các thư viện, tủ sách xã, phường trở xuống được cấp từ 500 đến 3 nghìn bản sách, kinh phí bổ sung hằng năm không có, tất cả chỉ trông chờ vào nguồn sách từ thư viện thành phố tài trợ và sự luân chuyển giữa các thư viện quận, huyện. Vì vậy, hoạt động của những thư viện, tủ sách này thiếu tính ổn định, nguồn tài liệu không mới, không cung cấp kịp thời những tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp cho nông dân.

Nguồn tài liệu của các thư viện công cộng quận, huyện, xã, phường hiện nay nói chung chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng; nội dung chưa phong phú, đa dạng; các tài liệu thiết thực phục vụ cho nông dân như hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, khoa học phổ thông về các lĩnh vực còn rất thiếu. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thư viện, tủ sách cơ sở chưa được tiêu chuẩn hóa, còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, khả năng nắm bắt thông tin và năng lực thực tiễn.

Ngoài ra, chế độ phụ cấp hằng tháng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện quá thấp; nhiều nơi mức thù lao bồi dưỡng không đáng kể, kiêm nhiệm nhiều việc, nhân viên làm việc với tinh thần tự nguyện là chính… Vì vậy, nhân sự không ổn định, thường xuyên biến động, công việc khó đi vào nền nếp…

Để tăng cường vai trò thư viện công cộng phục vụ nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới hiện nay, theo ông Hà Xuân Đào, cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương đối với công tác thư viện; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển các thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cơ sở bằng nhiều nguồn vốn.

Có như vậy, mới từng bước góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trở thành hiện thực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.