.
NHÂN NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23-11)

Khai thác và phát huy di sản Hán-Nôm

.

Di sản văn hóa Hán-Nôm ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng hết sức phong phú và đa dạng với rất nhiều loại hình khác nhau. Là nguồn sử liệu hết sức quan trọng, quý giá và chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn to lớn, di sản văn hóa Hán-Nôm góp phần chứng minh cho quá trình hình thành và phát triển lịch sử lâu dài của dân tộc ta… Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn di sản văn hóa quý giá này vẫn chưa được khai thác và phát huy phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của địa phương.

Đình Hải Châu - một trong những nơi còn lưu giữ nhiều di sản Hán-Nôm.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, di sản văn hóa Hán-Nôm tại thành phố Đà Nẵng rất phong phú và đa dạng với rất nhiều loại hình khác nhau: gia phả, thần phả, bia ký, địa bạ, hương ước, văn tế cúng, hoành phi, liễn đối, câu đối, các thư tịch cổ… Những tài liệu này nằm rải rác trong các chùa chiền, nhà thờ tộc, chư phái tộc, miếu mộ cổ, đình làng, cộng đồng cư dân.

Khảo sát của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 239 trang tư liệu về câu đối, liễn đối, hoành phi; 42 bản văn tế cúng từ các bản Hán văn; hơn một nghìn trang địa bạ; 2 bộ hương ước và khoáng ước; 14 văn bia chữ Hán- Nôm và hàng trăm trang gia phả, tộc phả… Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết:

Tất cả những tư liệu này là nguồn sử liệu hết sức quan trọng, quý giá, chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn to lớn. Nó góp phần minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển lịch sử lâu dài của dân tộc ta; phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất, truyền thống kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm; truyền thống lao động cần cù, sáng tạo; ý chí độc lập, tự cường và lòng nhân nghĩa cao cả của dân tộc ta.

Một văn bia khắc chữ Nôm còn lưu giữ tại đình Hải Châu.

 

Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh liên miên, nhiều công trình sáng tạo liên quan tới tôn giáo, nghệ thuật, đồ dân dụng có trong nhân dân ta trong những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ hai đã bị phá hủy rất nhiều. Số di vật và di tích ít ỏi may mắn sót lại, trong đó còn chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp văn hóa, nhờ vào những văn bia, văn bản chữ Hán - Nôm mà các nhà nghiên cứu xác định được tuổi và cả những thông tin về lịch sử hình thành hay kỹ thuật xây dựng, chế tác, tác giả hay hiệp thợ, quy mô ban đầu, niên đại khởi dựng và số lần tu sửa lại, v.v…

Các văn bản Hán - Nôm còn là những minh chứng khoa học giúp điều chỉnh lại nhận thức của những người làm công tác nghiên cứu liên quan nói chung, những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng nói riêng về truyền thống, quan niệm, tư tưởng trong lịch sử trở nên đúng đắn hơn, giúp xác định lại niên đại lịch sử một cách chính xác hơn.

Vậy mà, trên thực tế, hiện nay ngành giáo dục hay ngành văn hóa chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này một cách đầy đủ. Vì vậy, hầu hết thế hệ trẻ hiện nay không được phổ biến kiến thức, không có điều kiện để học về di sản văn hóa Hán-Nôm.

Các bảo tàng, di tích, thư viện chính là những thiết chế văn hóa có điều kiện tham gia làm tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hán-Nôm. Nên chăng, để mọi người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng muốn hiểu về di sản văn hóa Hán-Nôm cần tìm về những địa chỉ đó với điều kiện Nhà nước đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa Hán-Nôm.

Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chọn ngày 23-11 hằng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; cũng là dịp để động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.


Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.