.

Quần đảo Hoàng Sa

.

* Trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 15-11-2009, tác giả bài “Hoàng Sa biển đảo mến yêu - Kỳ 1: Tổng quan địa lý hành chính Hoàng Sa” cho rằng quần đảo Hoàng Sa có trên 40 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn. Thế nhưng, nhiều tài liệu, trang web khác ghi con số này chỉ là 30. Xin cho biết, số liệu nào chính xác? (Trương Ngọc Minh, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Hiện vẫn chưa có số liệu thống nhất về số lượng đảo, đá, cồn, mỏm, bãi... trong quần đảo Hoàng Sa.

Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, cho rằng quần đảo Hoàng Sa “là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. (…) Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo sư Sơn Hồng Đức (trong bài “Thử khảo sát về quần đảo Hoàng Sa” đăng trên Đặc san Sử Địa số 29 năm 1975, tr.185-206 - ĐNCT) cho số lượng là 120 đảo; sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 đảo”.

Diễn đàn hoangsa.org (chủ trương thu thập ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa và công bố cho tất cả mọi người) thì kể ra cụ thể 47 “thành viên” trong quần đảo Hoàng Sa như sau:

Nhóm Tây (nhóm Trăng Khuyết, nhóm Nguyệt Thiềm, nhóm Lưỡi Liềm) có 25 “thành viên”, gồm: 1 mỏm, 2 bãi, 15 đảo và 6 vị trí khác chưa có tên trong tiếng Việt.

Nhóm Đông (nhóm An Vĩnh - dựa theo tên làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn, nơi đội Hoàng Sa xuất phát) có 23 “thành viên” gồm: 8 đảo, 1 đá, 5 cồn cát (trong đó có 1 cồn chưa có tên trong tiếng Việt) và 9 bãi (3 bãi chưa có tên Việt).

Như vậy, cộng cả hai nhóm thì số “thành viên” trong quần đảo Hoàng Sa đã là 48, trong đó có một số vị trí chưa có tên trong tiếng Việt.

Tử Cấm Thành

* Gần đây có thông tin cho rằng Tử Cấm thành của Trung Quốc là do một người Việt Nam đứng ra tổ chức xây dựng. Chuyện này thực hư thế nào? (Lê Văn Bảy, Hải Châu, Đà Nẵng).

 

- Đó là kiến trúc sư Nguyễn An (1381-1456). Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn Tiểu lục: “Nguyễn An trải thờ 5 triều vua: Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông nhà Minh (Trung Hoa – ĐNCT), làm quan đến chức thái giám. An là người giản dị khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết giỏi về mưu mẹo tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng, những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường nha môn 6 bộ và các trường xưởng, nhà trạm...”.

Các nhà nghiên cứu người Trung Quốc Yên Tử Trần Đại Sỹ, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, Trịnh Cao Tưởng và Trương Tú Dân trong bài “Nguyễn An - nhà kiến trúc thiên tài người Việt Nam đã tham gia công trình kiến thiết đại Bắc Kinh dưới thời Minh” đăng trên Tiến bộ Nhật báo ngày 2-2-1950 (dẫn theo bài viết “Nguyễn An - kiến trúc sư thiên tài Việt Nam” đăng trên www.vietnamfineart.com.vn, Thứ tư, 17/09/2008 - 9:53 AM) cũng khẳng định Nguyễn An, người Việt Nam, được Minh Thành Tổ (Chu Đệ) giao trọng trách “Tổng công trình sư” xây dựng mới khu Tử Cấm thành Bắc Kinh (ảnh).

Tháng 11-2008, Đài Truyền hình ZDF Dokukanal của Đức đã trình chiếu bộ phim tài liệu "China Verbotene Stadt - Das Vermachtnis des Despoten" (Trung Hoa Tử Cấm thành - Bản di chúc của một bạo chúa), trong đó xác quyết công trình kiến trúc này do một tù binh Việt Nam là Nguyễn An (Ruan An) thực hiện. Có thể xem phim này tại địa chỉ www.youtube.com/watch?v=m1gAancTixQ

ĐNCT

;
.
.
.
.
.