Sau một thời gian cố gắng của các đơn vị nghệ thuật, sự vào cuộc của ngành Văn hóa và du lịch cùng sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Đà Nẵng, đến nay sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đỏ đèn, trống chầu đã bắt đầu vang, đưa ra những tín hiệu đáng mừng cho loại hình nghệ thuật truyền thống để phục vụ du lịch.
Hâm nóng nhà hát...
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật truyền thống “Hồn quê” do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện. |
Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước giới thiệu nét đặc trưng của các điệu múa truyền thống thắm đượm hồn dân tộc với chủ đề “Hồn quê” gồm các làn điệu dân ca, nhạc trữ tình, các thể loại dân vũ của ba miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam. Bên cạnh đó, Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng (Nhà hát Trưng Vương) và Đoàn nghệ thuật Minh Nhật đã đem đến cho du khách những phút giây sôi động, hấp dẫn.
Nếu Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng đem đến chương trình “Giao lưu Việt Nam-Quốc tế” nhằm giới thiệu những điệu múa dân gian của các dân tộc, những vũ điệu hiện đại, sôi nổi, các ca khúc về Đà Nẵng và các làn điệu dân ca đặc trưng như hát múa Lời ru Âu Lạc, Trống cơm, Vũ điệu cánh chim, Vũ điệu phương Đông, Lý đi chợ… thì Đoàn nghệ thuật Minh Nhật góp mặt với chương trình “Một thoáng Việt Nam”, giới thiệu những trang phục truyền thống cách điệu duyên dáng, các điệu múa sinh động của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như biểu diễn trang phục áo tứ thân, vũ điệu chim Công, áo dài truyền thống và hiện đại, múa Chăm, độc tấu Sáo vỗ không lỗ bấm, biểu diễn trang phục một số dân tộc ở Việt Nam...
Nhờ nội dung đa dạng, phong phú, được đầu tư kỹ lưỡng cho mỗi chương trình, ngay từ đêm đầu tiên phát hành vé bán đã thu hút được một lượng khách nhất định đến nhà hát. Đây là một tín hiệu lạc quan, bước đầu hâm nóng được sân khấu nhà hát - NSND Trần Đình Sanh, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vui vẻ chia sẻ.
Một vé cũng biểu diễn
Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã khởi động và bước đầu được đánh giá là đáp ứng được yêu cầu đề ra, nếu giữ được chất lượng chương trình thường xuyên như hiện nay, thì sẽ kéo được khán giả, nhất là du khách đến với nhà hát. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức, hệ thống ánh sáng của nhà hát chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, nên cũng ảnh hưởng một phần đến chất lượng biểu diễn; công tác tuyên truyền, quảng bá cho chương trình cũng cần được đẩy mạnh hơn, không chỉ dừng lại ở các công ty lữ hành mà tuyên truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Đèn đã đỏ, tiếng trống chầu đã vang - một tín hiệu vui cho sân khấu nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng, hy vọng chương trình nghệ thuật này sẽ đáp ứng tốt được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách. Bởi theo sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Đà Nẵng thì, dù chỉ bán được 1 vé, các đơn vị cũng phải biểu diễn, nhằm duy trì thường xuyên chương trình nghệ thuật theo lịch đã ấn định vào tối thứ tư và tối thứ bảy hằng tuần, để đáp ứng nhu cầu cho du khách, và điều quan trọng hơn, là giới thiệu một điểm đến văn hóa độc đáo của Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN