DRT đã nỗ lực nâng cao chất lượng phát sóng trên cả 2 mặt kỹ thuật và chất lượng nội dung chương trình. Cùng với việc đầu tư chương trình thời sự có tính chủ lực, DRT còn đầu tư sản xuất nhiều chuyên mục, chuyên đề mới. Hiện nay, Đài đã sản xuất được 22 chương trình, chuyên mục phát thanh và 35 chương trình, chuyên mục truyền hình. Hầu hết những chương trình này đều bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc mảnh đất, con người Đà Nẵng, mang đậm bản sắc địa phương.
Những thách thức của thời đại công nghệ số
DRT chú trọng bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ phóng viên “vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức”. Ảnh: Văn Nở |
Tại Đà Nẵng, cách đây 10 năm chỉ có khoảng 10 kênh truyền hình. Đến nay, người dân đã có thể xem cả trăm kênh của nhiều địa phương trên cả nước và nước ngoài. Người xem từ chỗ thụ động, dễ dàng chấp nhận các chương trình truyền hình; thì nay đòi hỏi cao hơn bằng sự chủ động tìm kiếm, chọn lựa những chương trình yêu thích, phù hợp và sẵn sàng trả tiền cho những dịch vụ truyền hình đáp ứng yêu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao.
Theo Tạp chí Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (E - info) thuộc Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng là địa phương có mức phí lắp đặt truyền hình cáp cao nhất Việt Nam với mức 800.000 đồng/thuê bao (mức phổ biến trên cả nước từ 500.000 đồng – 650.000 đồng/thuê bao). Vậy mà, Đà Nẵng lại là địa phương đứng thứ 3 trên cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) có số lượng thuê bao truyền hình nhiều nhất với con số xấp xỉ 80.000 thuê bao.
Điều này cho thấy, công chúng Đà Nẵng đã có sự chọn lựa rõ ràng cho các kênh truyền hình của mình. Đây là thách thức đòi hỏi ngành PT-TH Đà Nẵng phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nội dung chương trình để có chỗ đứng trong lòng người dân thành phố.
Nỗ lực tạo sức hút khán giả
Sau 35 năm kể từ chương trình phát thanh đầu tiên được phát sóng vào ngày 31-3-1975, Đài PT-TH Đà Nẵng (DRT) đã trở thành cơ quan báo chí tổng hợp với các loại hình: báo nói, báo hình, báo điện tử (www.drt.danang.vn) và truyền hình cáp. Riêng truyền hình có 2 kênh DRT1 và DRT2; phát thanh phát trên 2 kênh: AM tần số 702 KHz và FM tần số 96,3 MHz. Với các loại hình báo chí này, DRT đã có những đóng góp đáng khích lệ vào quá trình xây dựng và phát triển của Đà Nẵng, từng bước khẳng định vị thế của mình trong đội ngũ những cơ quan báo chí tại thành phố và trong lòng công chúng Đà Nẵng.
Bác Trịnh Quang Tạ, Phó Chủ nhiệm CLB Thái Phiên cho biết: “Hằng ngày, người dân Đà Nẵng có hàng chục, cả trăm kênh truyền hình, phát thanh trong và ngoài nước bằng tiếng Việt để xem và nghe. Tuy nhiên, ít nhất mỗi ngày một lần, bác đều dành thời gian để xem chương trình truyền hình của Đài PT-TH Đà Nẵng.
Từ năm 2006 đến nay, chương trình truyền hình và gần đây là chương trình phát thanh của DRT đã có nhiều thay đổi, nội dung tốt hơn, bám sát thực tiễn cuộc sống đổi thay từng ngày của Đà Nẵng. Chất lượng hình ảnh cũng sắc nét hơn, âm thanh trong, rõ hơn trước. Nhưng, khán giả nghe đài, xem truyền hình cũng nghiêm khắc hơn, đòi hỏi người làm báo hình, báo nói thành phố phải nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống. Chương trình phát thanh, truyền hình phải phong phú hơn, phản ánh sinh động những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội. Phóng viên phải nhạy bén hơn, nắm bắt tốt hơn nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đại đa số nhân dân và quan điểm, chủ trương của thành phố”.
Thời gian qua, DRT đã nỗ lực nâng cao chất lượng phát sóng trên cả 2 mặt kỹ thuật và chất lượng nội dung chương trình. Chất lượng tín hiệu phát thanh – truyền hình của DRT đến với khán, thính giả đã được cải thiện đáng kể, tầm phủ sóng rộng hơn nhờ Đài được thành phố quan tâm đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại như xe ghi hình lưu động, máy phát hình kênh 7 ACRODYNE 1kW, máy phát hình kênh 24 ROHDE & SCHWARZ 10kW, máy phát thanh FM HARRIS 5kW và xây dựng Trạm phát lại truyền hình Hòa Bắc. Đặc biệt, Dự án Trung tâm kỹ thuật Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng với tổng dự toán gần 62 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10-2006, dự kiến đưa vào sử dụng giữa năm 2011; dự án “Nâng cấp thiết bị truyền hình sử dụng công nghệ kỹ thuật số” giá trị 15 tỷ đồng triển khai trong năm nay chắc chắn sẽ góp phần tạo đà nâng tầm sự nghiệp phát thanh – truyền hình thành phố.
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận, các sản phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử của DRT vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khán, thính giả. Mặc dầu đã tăng thời lượng phát sóng, nhưng đến nay kênh DRT1 mỗi ngày phát sóng 12 giờ, thứ bảy và chủ nhật phát 18 giờ; kênh DRT2 có thời lượng phát sóng chỉ khoảng 7 giờ/ngày. Kênh AM và FM phát sóng 5 giờ/ngày. Những con số còn khiêm tốn.
Bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi công nghệ PT – TH theo hướng số hóa theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, DRT luôn chú trọng nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Chương trình phát thanh, truyền hình không chỉ đúng, hay, đẹp mà còn thiết thực, bổ ích, hấp dẫn người xem. Cùng với việc đầu tư chương trình thời sự có tính chủ lực, DRT còn đầu tư sản xuất nhiều chuyên mục, chuyên đề mới. Hiện nay, Đài đã sản xuất được 22 chương trình, chuyên mục phát thanh và 35 chương trình, chuyên mục truyền hình. Hầu hết những chương trình này đều bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc mảnh đất, con người Đà Nẵng, mang đậm bản sắc địa phương.
Trong quá trình nâng cao chất lượng kỹ thuật và nội dung chương trình phát sóng, DRT cũng đã chú trọng tăng cường công tác quản lý, cải tiến lề lối làm việc và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, xây dựng đội ngũ phóng viên “vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức”. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần làm ra những chương trình, sản phẩm có sức hút với người nghe, người xem Đài PT–TH Đà Nẵng.
NGUYÊN THU