.

Nét xưa giữa lòng phố thị

.

Giữa bộn bề của nhịp sống đô thị, vẫn còn có nhiều người tìm giữ cho mình một không gian giải trí mang nhiều nét truyền thống khi học thêu thùa, đan lát, móc, kết cườm...

Học làm thiếu nữ... “xưa”

Một buổi họp mặt của Hội thêu thùa Đà Nẵng.

Hơn ba năm nay, ngoài thời gian làm việc khá căng thẳng tại Ngân hàng Liên Việt, chị Lê Thị Mỹ Tân (654/11A Trưng Nữ Vương-Đà Nẵng) còn có thú vui  thêu, đan, móc. Chị cho biết, chị đang theo đuổi hai kiểu thêu: truyền thống (Don Stitch) và thêu dấu nhân (Cross Stitch). Cái khó nhất của thêu truyền thống là người thêu phải tự pha, phối màu chỉ.

Để thêu được một bức tranh hoàn chỉnh, đẹp theo kiểu này, người thêu phải có kỹ thuật cao. Trong khi đó thêu dấu nhân đơn giản hơn rất nhiều vì mỗi mẫu tranh thêu đều có hình vẽ sẵn, có bản hướng dẫn cách pha, phối màu cụ thể. Thêm vào đó, thêu truyền thống khá kén chọn mẫu tranh, còn mẫu thêu dấu nhân rất phong phú, gắn với từng chi tiết nhỏ trong gia đình.

 Hiện nay, chị Tân cùng những người yêu thích thêu tranh đã thành lập Hội thêu thùa tại Đà Nẵng và đã có website trên mạng. Thỉnh thoảng Hội lại tụ họp tại quán cà-phê Văn trên đường Lê Lợi. Chị Tân cho biết, thêu dấu nhân khá dễ học, cho ra sản phẩm nhanh nên rất nhiều bạn trẻ đã tham gia. Nhưng khi đã “chắc tay” một số người cũng “thử sức” với các mẫu thêu truyền thống. Ngoài thêu tranh, các thành viên trong Hội còn đan, móc, kết cườm…

Bạn Trần Thị Thùy Dung, SV Trường Đại học Duy Tân nói: “Em thích thêu thùa từ nhỏ nên khi biết được Đà Nẵng có Hội thêu thùa em đã đến tham gia”. Dung bảo, tất cả những vật trang trí trong phòng riêng: từ bức tranh cánh đồng hoa cúc, đến con búp bê được móc tay, hộp đựng bút, cặp gối thêu Pikachu (một nhân vật hoạt hình) đều do Dung làm. Cũng như Dung, cậu bạn Hoàng Quý Phục (SV Trường Cao đẳng Công nghệ) đã khiến cả nhà “bật ngửa” khi món quà Tết vừa rồi Phục tặng bố mẹ là bức tranh thêu dấu nhân “Ngôi nhà hoa hồng” (kích thước 30x30cm) do chính tay cậu làm. Phớt lờ ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa tò mò của chúng tôi, Phục tự tin bảo: “Em biết đến thêu khi một lần tình cờ chở bạn gái ofline với Hội thêu thùa.

Thấy hay hay em đã thử thêu. Rất khó, nhưng càng khó em càng muốn chinh phục. Để hoàn thành được bức tranh, em phải mất hơn 3 tháng dưới sự giúp đỡ của bạn gái”. Phục bảo, chi phí đầu tư cho bức tranh của em chưa đến 300 ngàn đồng, trong khi nếu mua ở ngoài tiệm phải mất gần cả triệu đồng (tùy thuộc vào dòng tranh). Còn với Thùy Dung, thỉnh thoảng, những lúc cao hứng cô bạn lại gây bất ngờ khi tặng sinh nhật bạn bè bằng một bức tranh kết cườm để khoe sự khéo tay của mình. 

Được biết, hiện nay, việc tìm mua nguyên vật liệu không khó. Chỉ thêu dấu nhân cách đây khoảng 5 năm phải nhập ngoại thì bây giờ đã có bán tại Đà Nẵng. Ngoài việc thêu thùa, đan lát, chị Mỹ Tân còn là địa chỉ cung cấp  vật liệu cho các chị em trong Hội. Hiện chị sở hữu hơn 500 màu chỉ, có giá 4,8 ngàn đồng/1 con chỉ; vải aida (vải dành cho thêu dấu nhân); len, khung thêu các loại...

Hình thức giải trí tao nhã

Thêu thùa, đan, móc đã trở thành “nét xưa”, nhưng hiện vẫn có không ít người âm thầm nuôi dưỡng nó bằng chính sở thích, niềm đam mê của mình, xem nó là thú vui giải trí tao nhã, lành mạnh. Được chị Tân giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà chị Hoàng Thị Thu Thanh (đường Ông Ích Khiêm). Để thỏa mãn niềm đam mê của mình, chị Thanh đã dành hẳn một phòng trên lầu 3 để làm phòng thêu. Tại đây chị sắm đầy đủ từ tủ đựng chỉ, vải thêu, khung thêu các loại.
 
Thay vì đi nhảy đầm, tập aerobics như nhiều người, lúc rảnh chị lại “vùi đầu” vào phòng thêu. Chị bảo, đây là góc thư giản của mình. Tại đây chị đã thêu bức tranh mừng nhà mới cho gia đình, đã thêu đôi gối uyên ương cho cô con gái đầu. Mỗi khi thực hiện một tác phẩm thêu, chị dành toàn bộ tâm trí cho nó. Có hôm nằm ngủ không được, dù đã 3 giờ sáng chị vẫn lén chồng vào phòng thêu. Chị cho biết, bí quyết để thêu đẹp phải thêu đều tay, đưa chỉ đi theo một chiều để bức tranh có độ bóng. Riêng với những người đã có tay nghề thì không chỉ chú trọng thêu mặt chính mà còn phải thêu sao cho mặt sau của bức tranh được sạch sẽ, không bị rối chỉ. Dù bận rộn với công việc của một trưởng phòng, nhưng chị Thanh chưa lúc nào có suy nghĩ từ bỏ niềm đam mê của mình. Chị đang hướng dẫn cho cô cháu gái năm nay lên lớp 4 học thêu.

Cũng như chị Thanh, chị Tân, hơn một năm nay thay vì “đầu tư” tiền vào quán nét, Thùy Dung dành những lúc rảnh để đọ tài khéo tay với cô bạn thân cùng sở thích. Vẫn biết bây giờ ít có bạn trẻ nào còn quan tâm đến những nghề thủ công truyền thống, nhưng với Dung, mỗi lần cùng họp nhóm thêu thùa, tranh luận, chia sẻ những kinh nghiệm và các sản phẩm với “đồng nghiệp” Dung lại có cảm giác mình như trở về với hình ảnh của một thiếu nữ xưa, khéo léo, dịu dàng trong các ngón nghề thêu thùa, may vá. Chị Lê Thị Mỹ Tân, Hội trưởng Hội thêu thùa Đà Nẵng cho biết, không chỉ con gái mà nhiều bạn trai cũng thể hiện sự quan tâm đến việc thêu thùa, đan lát. Tuy nhiên hiện nay, việc duy trì hoạt động thường xuyên của Hội rất khó vì đây chỉ là thú vui giải trí ngoài giờ của các chị em. Và còn ít người quan tâm đến.
          
Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.