.

Trái tim người nghệ sĩ

.

Tôi gặp NSND Tường Vi tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương TP. Đà Nẵng nằm cuối con hẻm sâu hun hút trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, vào một buổi chiều cuối tháng 7.  Cũng khá lâu rồi tôi mới có dịp gặp lại NSND Tường Vi kể từ ngày bà vào Tam Kỳ, Quảng Nam xúc tiến thành lập một Trung tâm nghệ thuật tình thương (NTTT) nữa ngay trên quê hương của bà, sau 2 trung tâm ở Hà Nội và TP. Đà Nẵng. Và cảm nhận của tôi về bà vẫn nồng ấm những tình yêu thương với những cuộc đời bất hạnh...

Người Nghệ sĩ và 3 Trung tâm nghệ thuật tình thương

Mô tả ảnh.

Một buổi biểu diễn của Trung tâm nghệ thuật tình thương Hà Nội.

NSND Tường Vi kể rằng, cách đây hơn 17 năm, lúc đó bà mới từ Đoàn ca múa nhạc thuộc Tổng cục Chính trị về nghỉ hưu, vào một buổi chiều, khi bà đang ngồi đàn hát say sưa ngay tại nhà mình ở phường Mai Dịch, Hà Nội, bỗng  một số cháu mồ côi đang ở Làng trẻ em SOS Hà Nội gần bên cạnh chạy ùa sang, gọi: “Mẹ Tường Vi ơi, mẹ bày cho tụi con hát với nào!?”. Nhìn các cháu mồ côi nhỏ nhắn, khôi ngô thật đáng thương, cầm lòng không được, bà liền gọi các cháu vào nhà và tập cho chúng hát.

Kể từ đó, gần như ngày nào các cháu ở Làng SOS Hà Nội cũng đều đặn sang nhà mẹ Tường Vi để được bà tập đàn, tập hát… Thời gian đầu, vì lòng thương người, yêu trẻ, NSND Tường Vi chỉ nghĩ với ý tưởng đơn giản tập hợp một nhóm khoảng 10 cháu ở Làng SOS Hà Nội để tập cho chúng đàn hát cho vui cửa vui nhà, cho thỏa niềm khát khao, ao ước được hát của các cháu mồ côi mà thôi. Nhưng sau đó không lâu, cũng trong một lần rất tình cờ, sau khi bà cùng các cháu mồ côi biểu diễn văn nghệ thì một vị khách nước ngoài sau khi xem xong chương trình biểu diễn, đã tỏ lòng cảm kích,  ngỏ ý muốn giúp đỡ bà, thông qua NSND Tường Vi để làm một việc gì đó giúp cho các em mồ côi này có điều kiện thực hiện ước vọng của tuổi thơ.

Vậy là bắt đầu từ đó, cùng với ý tưởng ban đầu của bà, khởi đầu ở  phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sau đó là TP. Đà Nẵng, rồi Quảng Nam… lần lượt 3 Trung tâm NTTT được thành lập dưới sự bảo trợ về tư cách pháp nhân của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sự tài trợ về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tổ chức và duy trì hoạt động của một số tổ chức nhân đạo, phi chính phủ nước ngoài.

Chia sẻ yêu thương...

Sau hơn 17 năm hoạt động, 3 Trung tâm NTTT ở Hà Nội, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam đã đón nhận tổng cộng gần 300 em có độ tuổi từ 8 đến 18 theo học các lớp năng khiếu về âm nhạc, nghệ thuật với 24 giáo viên và cán bộ phụ trách có trình độ chuyên môn cao và giàu nhiệt huyết trực tiếp tham gia giảng dạy. Với mục đích nhân đạo là góp phần theo dõi, phát hiện và thu hút những em có năng khiếu về âm nhạc, nghệ thuật có hoàn cảnh khó khăn, hoặc mồ côi, khiếm thị, tật nguyền, bị ảnh hưởng bởi di chứng của chiến tranh, giúp các cháu phục hồi các chức năng của tâm hồn, để các cháu cảm thấy yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn; đồng thời phát hiện những tài năng trẻ về âm nhạc, nghệ thuật mà do hoàn cảnh và điều kiện khó khăn nên  các em không  thể phát triển được.

Các em đến Trung tâm NTTT được các thầy cô dạy  học hát hợp xướng, múa balê, học đàn với các nhạc cụ dân tộc và hiện đại: Đàn bầu, sáo, t’rưng, organ, piano… với những bài hát do NSND Tường Vi sáng tác như: Đời cho em những nốt nhạc vui, Em lắng nghe tiếng đời, Đây là nhà của em, Hoa hy vọng, Hãy chung sức vì nhân đạo, v.v... Đó là những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống, con người… đã được các em đón nhận với tất cả tình yêu âm nhạc của tuổi thơ.

Và hơn thế, cũng như ý nguyện của người nghệ sĩ, Tường Vi muốn Trung tâm NTTT thật sự là một mái ấm tràn đầy tình thương yêu và hạnh phúc của trẻ thơ. Ở đó, không những các em được chăm sóc, nâng đỡ về tinh thần và vật chất mà tài năng của những tâm hồn trẻ thơ bất hạnh cũng sẽ được hun đúc để hy vọng sẽ bừng sáng ở ngày mai. Trung tâm NTTT còn tổ chức cho các em tham gia học thêm ngoài giờ nghề may, thủ công mỹ nghệ, ngoại ngữ, vi tính v.v… để  giúp các em có cơ hội tìm việc làm, tự nuôi sống bản thân.

NSND Tường Vi nói như khoe với tôi rằng: Cho đến nay, cả 3 trung tâm đã có gần 40 em theo học tại các trường âm nhạc: Nhạc viện Hà Nội, Đại học Âm nhạc Huế, Cao đẳng Nghệ thuật quân đội, Trường múa Việt Nam, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, v.v… Nhiều em đã trở thành ca sĩ trẻ đầy triển vọng như: Phương Thu, Hoài Phương, Bông Mai, Thùy Linh, Hà Chương...

Khát khao tình yêu  nghệ thuật

Cuối câu chuyện, NSND Tường Vi tỏ ra khá lo lắng, trăn trở cho tình hình thực tế hoạt động hiện nay của 3 Trung tâm NTTT mà bà đã dày công vun đắp và đeo đuổi bao nhiêu năm qua. Đó là tình trạng khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động. Bởi lẽ, theo bà, những tổ chức nhân đạo, từ thiện phi chính phủ nước ngoài đã không còn tài trợ kinh phí hoạt động cho các Trung tâm NTTT của bà nữa, mà hầu như bà phải tự thân vận động để duy trì hoạt động của các trung tâm này.

Hoạt động của 3 trung tâm và lương của 24 cán bộ, giáo viên hiện nay đều được chi từ nguồn thu nhập chính là nguồn kinh phí vận động từ nghệ sĩ Tường Vi, mà tuổi tác và bệnh tật thì không cho phép bà lao động như hồi còn trẻ. Vậy nên, để có nguồn kinh phí trang trải cho hoạt động, bà đã tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ như: Khát vọng hòa bình, Khát vọng bình minh, Những trái tim không tật nguyền, v.v… mỗi câu lạc bộ từ 10 - 12 em, chủ yếu  là trẻ em tật nguyền và khiếm thị để chuyên đi biểu diễn lưu động, tạo nguồn thu nhập từ lòng hảo tâm ủng hộ của  khán giả nhằm duy trì hoạt động của các trung tâm…

Chia tay Đại tá NSND Tường Vi, tôi cứ suy tư hoài về người nghệ sĩ mặc áo lính mang nghiệp ca hát hơn 40  năm không biết mệt mỏi, nổi tiếng trong và ngoài nước, vinh dự đã nhiều lần được hát cho Bác Hồ nghe khi Người còn sống,  đến những năm cuối đời của mình, vẫn đau đáu một khát vọng, một tình yêu cháy bỏng được cống hiến tài năng và sức lực còn lại cho âm nhạc, nghệ thuật, cho những mảnh đời trẻ thơ mồ côi, bất hạnh. Có lẽ, đó là khát  vọng để chia sẻ  yêu thương...

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.