Trong nhiều tác phẩm nghệ thuật dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất, có tác dụng xã hội rộng rãi nhất, và cũng được triển khai nhanh nhất. Dự án Con đường gốm sứ đem lại cho con đê đã 900 năm tuổi một bộ mặt mới, tươi sáng và quyến rũ hơn, lung linh các sắc màu... và được ghi vào kỷ lục Guiness thế giới.
Những đoạn tranh tạo nên Con đường gốm sứ ven sông Hồng. |
Con đường gốm sứ dài nhất thế giới
Con đường gốm sứ ven sông Hồng khởi đầu từ Phú Thượng - Tây Hồ xuôi theo hướng dòng chảy của sông Hồng đến cuối phố Trần Quang Khải, giáp với đường Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Toàn bộ con đường gốm sứ có tổng chiều dài hơn 3,85km. Con đường có tất cả 27 đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo các chủ đề như: Họa tiết hoa văn qua các thời kỳ lịch sử, từ Đông Sơn đến Lý - Trần - Lê - Nguyễn; hoa văn của 54 dân tộc anh em; tranh gốm theo phong cách đương đại do các họa sĩ quốc tế thể hiện; dấu ấn định đô Thăng Long; tranh gốm đương đại giới thiệu các lễ hội dân gian; làng quê Việt Nam; mùa xuân phố cổ; gốm sứ truyền thống Việt Nam; bức tường gốm quốc tế; thế giới các làng hoa... và một đoạn tranh gốm thiếu nhi với chủ đề Hà Nội-Thành phố vì Hòa bình. Trên con đường gốm sứ đó, bức tranh gốm trên bức tường bê-tông cao 6m tại nút cầu vượt Chương Dương sẽ là một điểm nhấn hoành tráng. Ngoài ra, Con đường gốm sứ bao gồm cả trường đoạn tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ ba miền Bắc-Trung-Nam, tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ gốm quốc tế đến từ Đan Mạch, Pháp, Italia, Tây Ban Nha.
Con đường gốm sứ được thực hiện gần 4 năm (từ tháng 3-2007 đến tháng 10-2010), thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước, 500 thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều làng gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc... Ngoài những đóng góp quan trọng trong việc xử lý chất liệu gốm, in màu trên gốm và nghệ thuật bố cục tranh tường khổng lồ…, dự án còn có một thử nghiệm khá mới mẻ - đưa ảnh cổ Hà Nội lên gốm!
Ý tưởng từ một buổi đi sáng tác ảnh
Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng do nhà báo-họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (Báo Hà Nội Mới) khởi xướng sau một lần đi sáng tác ảnh về chợ gốm ven sông Hồng trên đoạn đường Âu Cơ, chị đã sững sờ khi lần đầu tiên nhìn thấy một “cánh đồng gốm” bên bờ sông Hồng với đủ các sản phẩm gốm từ Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương) ngược sông Hồng theo thuyền chở lên, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh) xuôi sông Cầu và sông Đuống chở xuống.
Chị tâm sự: “Ngay lúc đó, tôi đã chợt nghĩ đến những công trình kiến trúc của Antonio Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha), của Hundert Wasser ở Damstard (Đức) và đặc biệt là bức tường thành Babilon vĩ đại với những viên gạch gốm xanh coban huyền ảo mà màu men vẫn tươi nguyên sau hàng bao thế kỷ (Thành Babilon được xây dựng từ thế kỷ 6 - 3 trước CN) được trưng bày một phần trong Bảo tàng khảo cổ học Pergamon ở Berlin.
Vậy là từ hôm đó, khi trên đường đi làm từ nhà tới tòa soạn theo cung đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, mắt chị luôn dán vào dải đường đê với màu xám tối xi-măng nặng nề và phát hiện ra nhiều chỗ bị bôi bẩn, viết bậy, trông rất mất mỹ quan. Từ đó, trong đầu chị đã hình thành ý tưởng kêu gọi các họa sĩ Việt Nam và quốc tế cùng tham gia sáng tác bằng chất liệu gốm để trang trí con đường đê này như một món quà dành tặng thủ đô nhân đại lễ 1.000 năm định đô. Đặc biệt, những mảng bê-tông lớn ở nút giao thông cầu vượt Chương Dương cùng những hàng cột lớn dưới gầm cầu sẽ trở thành điểm nhấn đẹp của công trình nghệ thuật ngoài trời - Con đường gốm sứ.
Chuyến đi tu nghiệp 2 tháng tại Viện Báo chí Quốc tế Berlin giữa năm 2006 với những cuộc tham quan các bảo tàng và các công trình kiến trúc tại 7 nước châu Âu càng làm sáng rõ hơn những ý tưởng sáng tạo trong chị. Sau khi về nước, chị đã bắt tay vào chụp ảnh dải tường đê bê-tông ven sông Hồng, mua những chậu gốm về đập vỡ và tự tay gắn gốm làm phác thảo mẫu để minh họa cho ý tưởng sáng tạo.
Khi công bố những phác thảo đó tại cuộc triển lãm Làm đẹp thành phố Hà Nội do Tạp chí Kiến trúc tổ chức vào tháng 3-2007 (ở nhà triển lãm 45 Tràng Tiền), ngay lập tức, Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã nhận được sự cổ vũ của đông đảo công chúng, các nghệ sĩ, kiến trúc sư và giới truyền thông.
Đến nay, mục tiêu làm một bức tranh gốm khổng lồ trên mái đê Hà Nội dài hơn 3,85km với diện tích 6.950m2 không những đã hoàn thành mà còn vượt kế hoạch đặt ra (vì nhiều đoạn đã nâng cao thành đê từ 1m lên khoảng 2m để tăng vẻ hoành tráng cho các đoạn tranh). Con đường gốm sứ của Nguyễn Thu Thủy được coi là lãng mạn nhất, có tác dụng xã hội rộng rãi nhất, và cũng được triển khai nhanh nhất. Công trình văn hóa độc đáo này đã chính thức được ghi tên vào Kỷ lục Guiness thế giới. Đây không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của tác giả và những người thực hiện công trình, mà còn là một vinh dự lớn của Việt Nam vì đã góp thêm vào Guiness thế giới một công trình nghệ thuật tiêu biểu nhân Đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội!
Bài và ảnh: C.T.V