.

Đến phòng trà ca nhạc để... “nhặt sạn”

.

Khán giả Đà Nẵng thực sự muốn thưởng thức nhạc phòng trà thì tốt nhất... ở nhà mở đĩa nghe đỡ cho rồi. Đó là nhận xét của không ít người, khi hoạt động của các phòng trà ca nhạc hiện nay không khác tụ điểm hát cho nhau nghe là mấy!

Chất lượng quá thấp

Mô tả ảnh.
Những đêm diễn của phòng trà ATB (thành phố Hồ Chí Minh) luôn đem lại sự hài lòng cho khán giả bởi đầu tư rất công phu. (ảnh: Tintuc.xalo.vn)

Đà Nẵng không thiếu phòng trà, nhưng khi đến đây, thay vì được tận hưởng âm nhạc du dương, khán giả lại có cảm giác “bị” nghe hát. Giá dịch vụ tại các phòng trà hiện nay khoảng từ trên 100 nghìn đồng đến vài triệu đồng cho một loại thức uống. Với mức giá ấy, nếu khán giả được đáp lại bằng một chương trình ca nhạc bảo đảm chất lượng, có lẽ họ chẳng có lý do gì để kêu ca; đằng này, tiền mất mà chẳng được gì!

Không ồn ào, sôi động hay hoành tráng như trên sân khấu lớn, ca nhạc phòng trà đem lại cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi, bay bổng với âm nhạc trong một không gian nhỏ, ấm cúng. Ở không gian ấy, giọng hát của ca sĩ, hình thức chương trình và bàn tay của người biên tập sẽ có điều kiện bộc lộ rõ nhất. Ngược lại, khán giả sẽ phải vừa nghe, vừa “nhặt sạn”.

Ca sĩ phòng trà vốn có chỗ đứng riêng. Họ có những “fan” riêng của mình. Và sự nổi tiếng của họ cũng không thua kém các ca sĩ trên những sân khấu khác. Đáng tiếc, tại Đà Nẵng, ít thấy ca sĩ kiểu này. Tại phòng trà P.H, một đêm có từ 3-4 ca sĩ biểu diễn. Phần ai nấy hát. Hát như trả bài, không theo chủ đề hay dòng cảm xúc chủ đạo. Thậm chí hai người hát đôi mà chẳng thèm “liếc” nhau lấy một cái. Nghe được khoảng hai bài, vài người đứng lên ra về, vài người khác cố ngồi cho đỡ tiếc tiền.

Để hút khách, các phòng trà còn áp dụng chiêu “kiểu gì em cũng chiều”. Tại phòng trà H., nhân viên phục vụ cho biết, khán giả có thể đăng ký lên hát bao nhiêu bài cũng được. Khi được hỏi: Liệu hát dở quá có sao không?, nhân viên này nở nụ cười: “Không sao đâu”. Có nơi còn tận dụng mọi không gian để đặt bàn ghế với hy vọng càng nhiều người vào, càng tốt!

Đến phòng trà ca nhạc để làm gì?

Câu hỏi này có vẻ hơi kỳ, vì dĩ nhiên đến để thưởng thức âm nhạc. Nhưng xem ra điều này không hẳn đúng với nhiều người. Lúc ca sĩ đang trình diễn đến đoạn trầm buồn, bỗng dưng nhóm người từ bàn đối diện sân khấu cất tiếng cười hố! hố! Hóa ra, họ đang nhâm nhi kem và mải mê chuyện trò, thích thì cười. Một người từng đi hát phòng trà cho hay: “Có lần đang hát, bỗng dưng nghe cái “xẹt”! Nhìn xuống thấy một thùng bia vừa được đẩy tới bàn khách”. “Một chai bia giúp cảm xúc thăng hoa còn chấp nhận được, chứ khách đến phòng trà cốt để nhậu thì hết biết”, người này nói.

Với những người thực sự yêu nhạc phòng trà, họ cũng đang tự đặt ra câu hỏi: “Đến phòng trà để làm gì?”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.