.

Làm đẹp cho những bài ca

.

“Giống như người họa sĩ phối màu cho một bức tranh, người nhạc sĩ hòa âm phối khí (HAPK) cũng phải chọn những “màu âm” hài hòa, hợp lý để làm nhạc cho bài hát. Nếu phối khí (PK) tốt sẽ chắp cánh cho bài hát và ngược lại, sẽ bẻ gãy, làm hỏng bài hát...”

 

Mô tả ảnh.
Để có một phòng làm việc hiệu quả, người nhạc sĩ PK phải mạnh dạn đầu tư.

 

Đó là cách so sánh sinh động của Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng - nhạc sĩ Thái Nghĩa, đủ để chúng ta hình dung được vai trò của người nhạc sĩ HAPK đối với những tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn nhận của giới chuyên môn, còn với đông đảo khán giả khi thưởng thức các ca khúc, thì hầu như rất ít ai lưu tâm đến công việc thầm lặng của những người “tô màu”, “vẽ điệu” cho bài hát. Với những nhạc phẩm được yêu thích, biết tên ca sĩ thể hiện, nhớ tên nhạc sĩ viết ca khúc đã là chuyện không quá phổ biến.

Chỉ vì đam mê

Đến với âm nhạc từ niềm đam mê thuở nhỏ, từng kinh qua nhiều môi trường biểu diễn, với những kiến thức được đào tạo bài bản, nhạc sĩ Trúc Lam trở thành cái tên được nhắc đến nhiều ở lĩnh vực HAPK, đặc biệt từ năm 1997 (khi anh mở phòng thu riêng tại nhà) đến giờ. Anh tâm sự: “Nếu chỉ dựa vào thu nhập để chọn nghề này tại Đà Nẵng thì khó lắm. Mình làm việc vì cái tâm là chủ yếu. Sự hành nghề của mình có tác động không nhỏ đến cộng đồng, nên không bao giờ được phép buông lỏng trách nhiệm, trau dồi kiến thức âm nhạc phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Kiến thức âm nhạc không vững, chúng ta có thể bóp méo nghệ thuật. Nghệ thuật bị bóp méo đưa đến cộng đồng thì thật là tai hại”. Đam mê và đầy trách nhiệm, nhạc sĩ Trúc Lam không bao giờ nhận HAPK cho những tác phẩm anh nhận thấy “không ổn” về ca từ, dù “được trả công cao đến đâu cũng nhất quyết không, không phải vì tiền mà cứ nhắm mắt nhắm mũi làm”, nhạc sĩ Trúc Lam đã khẳng định như thế.

Nhạc sĩ Xuân Minh, người đầu tiên mở phòng thu tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung quan niệm, HAPK thành công, nghĩa là “làm sao cho bài hát thoát hết ý tứ và khán giả cảm nhận được”. Anh làm việc “vì yêu nghề, yêu mảnh đất này”, Sài Gòn, Hà Nội là những thị trường âm nhạc đầy hấp dẫn nhưng không thể kéo anh rời xa vùng đất và người xứ Quảng. Ở Đà Nẵng hiện tại, không chỉ có Trúc Lam, Xuân Minh… mà còn những người khác như Bích Ngà, Nguyễn Hoàng, Minh Sơn, Cao Minh Đức…

Những tín hiệu vui...

Theo ghi nhận của nhạc sĩ Thái Nghĩa, hàng chục năm qua, đội ngũ nhạc sĩ HAPK của Đà Nẵng đã có những đóng góp không nhỏ cho sự thành công của nhiều tác phẩm âm nhạc tại các hội thi, hội diễn tại thành phố, khu vực và toàn quốc. Thành công của phần nhạc nền cho đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam tại các kỳ DIFC càng không thể bỏ qua vai trò của những người HAPK.

Điều đáng mừng nhất là gần đây, tại các hội thi, hội diễn, kể cả chương trình Bài hát Việt trên VTV đã bắt đầu chú trọng đến việc tôn vinh các nhạc sĩ phối khí. Đơn cử ca khúc “Giã quỳ” với phần lời của nhạc sĩ Nguyễn Đức, phần PK của nhạc sĩ Xuân Minh được Hội đồng nghệ thuật Bài hát Việt thẩm định là bài hát PK hiệu quả nhất. Vậy là đã có giải thưởng riêng cho người PK bên cạnh những giải quen thuộc khác. “Bởi để có một tác phẩm không lời, hoặc một bài hát thành công thì bao giờ cũng nhờ mối “tổng hòa” chung và người phối khí là hạt nhân của mối tổng hòa đó” - nhạc sĩ Thái Nghĩa khẳng định.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.