.

Văn nghệ dân gian thời hội nhập

.

Quá trình hội nhập và đô thị hóa phát triển ngày càng nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cực cho việc sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn những tác phẩm có giá trị về văn hóa - văn nghệ dân gian đất Quảng.

 

Mô tả ảnh.
Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể.

 

Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 10 năm qua, toàn thể hội viên đã nỗ lực vì một nền văn hóa dân gian của xứ Quảng, người Quảng. Thời gian tuy không dài, nhưng anh em hội viên đã khai thác tốt một phần vốn văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Một số anh em  tuy tuổi đã cao, nhưng đã  dần vươn lên khẳng định chỗ đứng của mình và có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên khảo và quảng bá vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng…

Theo ông Hòe thì tất cả thành viên của Hội đều mong muốn phải làm sống lại những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương Đà Nẵng, để khẳng định rằng, đất Quảng không chỉ là nơi đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầu tiên mà còn là nơi có một gia tài văn học dân gian đồ sộ, phong phú, đa dạng đang trong quá trình khai thác, phát huy, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Những tác phẩm lớn có thể kể đến trong những năm gần đây của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng như: Men rượu hồng đào; Tổng tập Văn nghệ dân gian đất Quảng, được chia thành nhiều chủ đề khác nhau, đến nay đã xuất bản được 5 tập: Ca dao, dân ca đất Quảng; Chuyện kể dân gian đất Quảng; Tập tục, lễ hội đất Quảng; Ngành nghề truyền thống đất Quảng; Văn hóa ẩm thực đất Quảng và Văn hóa dân gian các dân tộc miền núi đất Quảng. Bên cạnh đó, Hội còn giới thiệu những ấn phẩm mới như Văn hóa dân gian Đà Nẵng - cổ truyền và đương đại; Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn; Văn hóa dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng, tác giả-tác phẩm. Ngoài ra, nhiều cá nhân trong Hội cũng đã xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị lớn về các loại hình, thể loại văn hóa, văn nghệ dân gian và lịch sử… Cùng với các tác giả có tác phẩm xuất bản còn có 7 đề tài của các hội viên được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đầu tư sáng tạo; 6 đề tài được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng tài trợ phổ biến. Hiện nay Hội còn nhiều tập bản thảo của các tác giả, phần nhiều là chép tay chưa công bố.

 

Giáo sư Trần Văn Khê - người có công lớn trong việc đưa ca trù, nhã nhạc cung đình Huế thành di sản phi vật thể thế giới, có lần nói: Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian, một nghệ nhân mất đi là một thư viện sống bốc cháy. Nếu không lưu giữ kịp thời những thư viện ấy, chúng ta mất tất cả. Lúc ấy phải làm lại từ đầu. Đó là điều thiệt thòi, mất mát lớn đối với văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình hội nhập và đô thị hóa phát triển ngày càng nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Hồ Tấn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng khẳng định, quá trình hội nhập và đô thị hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa - văn nghệ dân gian. Theo ông, vốn văn hóa - văn nghệ dân gian đã xuất phát và  gắn bó lâu đời với người nông dân, với lũy tre làng, với ruộng đồng, vườn tược. Xóm làng là nơi lưu giữ “cái hồn” cho văn hóa - văn nghệ dân gian.

 

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh chóng đã làm cho những giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian không còn được lưu giữ. Những khu đô thị mới mọc lên đã xóa đi những xóm làng - nơi chứa đựng những giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian. Chính vì thế, những giá trị trong văn hóa - văn nghệ dân gian chưa được bảo tồn trọn vẹn. Bên cạnh đó, những người tâm huyết với nghiên cứu, bảo tồn văn hóa-văn nghệ dân gian phần lớn đã già, trong khi đó, thế hệ trẻ hôm nay ít tiếp cận với những giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian của cha ông ta, nên việc phát huy cái hay, cái đẹp cũng không được tiếp tục; trong tương lai không xa, sự hụt hẫng trong lực lượng nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn về lĩnh vực này sẽ không tránh khỏi.

Những tác động đó đã thôi thúc các hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng phải không ngừng nỗ lực để có thêm nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ dân gian để lại cho thế hệ trẻ, hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.