.

Chuyện ông Tống Phước Phổ

.
 Tôi có may mắn được tiếp xúc khá thường xuyên với các nghệ sĩ Tuồng, với vợ chồng NSƯT Cao Đình Liên. Chăm chú lắng nghe những câu chuyện bác Liên kể về nghề, về đời nghệ sĩ, và cái tên Tống Phước Phổ được nhắc đến nhiều lần với tất cả lòng ngưỡng mộ.

Cây đại thụ Tuồng

“Trong đội ngũ sáng tác văn học Tuồng từ trước tới nay, chưa ai sống nhiều năm và viết được nhiều như Tống Phước Phổ. Căn cứ trên số lượng và chất lượng tác phẩm, có thể khẳng định sau Đào Tấn và Nguyễn Hiển Dĩnh, thì Tống Phước Phổ là người sáng tác chủ lực của ngành Tuồng trong gần một thế kỷ qua”. Đó là nhận định của Giáo sư Hoàng Chương về người con ưu tú xứ Quảng.

Trong suốt 60 năm trong nghề, Tống Phước Phổ đã đóng góp cho ngành sân khấu Tuồng ngót một trăm kịch bản, kể cả chuyển thể từ tiểu thuyết, hay từ truyện Trung Quốc. Được mệnh danh là cây bút hàng đầu của nền Tuồng cách mạng, riêng mảng này, tính từ sau 1945, đã có trên 20 vở. Tiêu biểu có thể kể đến: Trưng Nữ Vương, Quán Thăng Long, Hội nghị Diên Hồng, Cờ giải phóng... Ngoài ra, ông còn chỉnh lý nhiều vở Tuồng cổ như Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương, Lam Sơn khởi nghĩa, An Tư công chúa, Ngọn lửa Hồng Sơn... Nhiều học trò của ông đã trở thành những cây bút nổi tiếng như Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Kim Hùng, Trần Hưng Quang, Võ Sĩ Thừa...

Tuy học tập nhiều ở Tuồng cổ, nhưng Tống Phước Phổ không rập khuôn lối cấu trúc “vua băng nịnh tiếm” và kiểu văn chương thiên về Hán-Nôm cầu kỳ, nghiêm ngặt. Văn phong của ông đậm chất dân gian, trữ tình, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ nghe. Theo phân tích của những người có chuyên môn thì phong cách kịch bản Tuồng của Tống Phước Phổ chịu nhiều ảnh hưởng của cụ Đào Tấn, mặc dù thời trai trẻ ông rất gắn bó và ngưỡng mộ người cậu, người thầy của mình-nhà viết Tuồng trứ danh Nguyễn Hiển Dĩnh. Những câu Tuồng để đời của “cây đại thụ Tuồng” còn được hun đúc bởi truyền thống quê hương và gia đình, bởi phong trào Văn thân yêu nước trỗi dậy mạnh mẽ lúc bấy giờ. Để rồi, Tống Phước Phổ trở thành một trong những nghệ sĩ Tuồng đầu tiên cõng ba-lô đi kháng chiến, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Một nhân cách đáng trọng

Có điều kiện gần gũi Tống Phước Phổ trong những năm tháng cuối đời của ông ở Đà Nẵng, NSƯT Cao Đình Liên kể: “Ông Phổ rất đặc biệt, vui nhưng ít nói, mà nói câu nào là điếng câu đó. Chẳng hạn, thấy mấy bác có hơi men, cãi cọ nhau, ông chỉ nói hai tiếng “tiểu khí” rồi bỏ đi, để bọn bác thì chưng hửng”. “Tết đến, ông gọi toàn bộ trẻ con trong xóm đến mừng tuổi, chúng mừng hết biết”.

Là người khí khái, từ ngày trẻ, Tống Phước Phổ không chọn quan trường làm nơi tiến thân vì không chịu nổi cảnh “ra luồn vào cúi”. Đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập, Tống Phước Phổ xem trọng những hành động phục vụ lợi ích thiết thực cho Đảng, cho dân, dù có ẩn mình hay không được ghi công, ông cũng không để ý. Vì cống hiến quá thầm lặng, có người vì hiểu lầm hay cố ý đã châm chích, nghi ngờ tấm lòng của ông với Đảng, Tống Phước Phổ thẳng thắn: “Đảng trong tôi bao giờ cũng hết lòng tôn kính, nhưng nói thật, đảng viên có những người tôi khinh”, để chỉ trích những đảng viên biến chất.

Tống Phước Phổ còn được nổi tiếng là người sống thanh bần, cần kiệm. Trong những ngày còn ở Quy Nhơn, trước khó khăn chung của thời cuộc, Tống Phước Phổ đã xây dựng và gò mình theo một kế hoạch chi tiêu rất chi li, nghiêm túc. Bác Liên nghe kể: “Lương tháng được mấy, ông chia đều 30 ngày, rồi chi đúng trong khoản đã chia, không bao giờ vi phạm, dù có phải ăn củ chuối chấm muối vừng qua bữa; tiền nhuận bút thêm ngoài ông dành riêng để dự phòng những khoản phát sinh… Đặc biệt, ông không hút thuốc, uống rượu, trong khi đó, nhiều nghệ sĩ vẫn mượn những thứ này để lấy cảm hứng”…

Cố Giáo sư Hoàng Châu Ký trong lời phúng điếu “cây đại thụ ngành Tuồng” đã viết: “…mang mang thế cuộc, thanh tâm nhất phiến, bảo bảo thiên chân”. Để nói lên tấm lòng “như ngọc” (bảo bảo), cái tâm trong sáng (thanh tâm) của một con người, một nghệ sĩ chân chính Tống Phước Phổ.

Mô tả ảnh.
Tống Phước Phổ (1900 – 1991) sinh tại làng An Quán, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước. Với những đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp Tuồng, năm 1996, ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.

Nghị quyết số 07-1998/NQ-HĐ của Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng khóa V, ngày 2-7-1998 về đặt và đổi tên một số đường của TP. Đà Nẵng đã quyết định lấy tên Tống Phước Phổ để đặt tên một con đường.
Ngọc Dung
;
.
.
.
.
.