.

Có một dòng phim như thế!

.

Trong nhiều năm qua, ở Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng đã xuất hiện một dòng phim tư liệu mới có tên gọi Varan. Ngay từ những lớp tập huấn đầu tiên, các đạo diễn trẻ ở Đà Nẵng đã nhanh chóng tiếp cận và tự khẳng định mình.

Mô tả ảnh.
Đạo diễn Trương Vũ Quỳnh (thứ 2, phải qua) và khán giả sau buổi chiếu phim Varan tại Para.

 

Varan - câu chuyện kể bằng cảm xúc

Varan là một chương trình đào tạo làm phim tài liệu của Pháp, theo phong cách điện ảnh trực tiếp. Hiểu một cách đơn giản, thì đây là phong cách làm phim ghi hình, ghi âm đồng bộ, không dàn dựng, bố trí, không lời bình, người đạo diễn ghi lại chân thực nhất câu chuyện mà mình thể hiện trong phim. Theo đạo diễn Trương Vũ Quỳnh (VTV Đà Nẵng), Varan là một hiệp hội thành lập trong những năm 1980 ở Pháp, tập hợp những nhà điện ảnh chuyên nghiệp từ một sáng kiến của Jean Rouch, cha đẻ của trường phái Cinéma Vérité (Điện ảnh Chân thực). Theo quan niệm của Jean Rouch cũng như của “trường phái Varan”, đây là một cách làm phim mà đạo diễn bị buộc hoặc tự nguyện để cuộc sống dẫn dắt. Người làm phim phải tự mình quay lấy phim của mình, camera chính là con mắt của đạo diễn, người làm phim đồng hành với nhân vật của mình lao vào một con đường không định trước, nhiều ngã rẽ bất ngờ, tự nhiên như cuộc sống vẫn vậy, không dẫn dắt, không tô vẽ…

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê sau gần 7 năm làm quen với điện ảnh trực tiếp của Varan giảng dạy, cho biết: “Những người làm phim theo thể loại này chấp nhận sự rủi ro, nguy hiểm, dám đánh cược, dám tin tưởng vào linh cảm của bản thân để quyết định chọn vào phim những tình tiết đúng với bản chất thật của cuộc sống, không màu mè, tô vẽ, đón nhận vào phim những hiện thực không ngờ tới”. Chị đã dành nhiều thời gian, bỏ công sức và tiền bạc để thực hiện những bộ phim mới và đã có tác phẩm “Đất đai thuộc về ai” thu hút sự chú ý của công chúng tại Pháp trong năm 2009. Hiện nay, chị bắt tay vào bộ phim thứ ba theo phong cách này. Chị tâm sự rằng, điện ảnh trực tiếp là thứ ngôn ngữ đặc biệt cho phép đi sâu vào đời sống mà những thể loại phim tài liệu truyền thống trước đây không làm được. Nó đòi hỏi tìm tòi những điều ẩn chứa bên trong, những khoảnh khắc trung thực và tinh tế nhất mà người xem không ngờ đến. Nó thú vị và luôn nhạy cảm. Hiện nay chị vừa làm phim, vừa tham gia vào công tác tổ chức các khóa đào tạo đạo diễn của Varan.

Những kết quả bước đầu

Trong hai mươi năm qua, ngoài những khóa đào tạo tại Pháp, Varan đã mở những “trại sáng tác” tại gần 20 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, từ năm 2004 đến nay, Varan đã mở 5 khóa đào tạo (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), với sự hưởng ứng nhiệt tình của Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương, sự tài trợ của Quỹ UNDP, Ford Foundation, Viện Goethe...

Riêng tại Đà Nẵng, sau khóa đầu tiên được tổ chức trong năm 2010, với sự phối hợp giữa Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội điện ảnh Varan, trong vòng 3 tháng đã mang lại một kết quả khả quan: 7 phim tài liệu về những đề tài liên quan đến cuộc sống và con người Đà Nẵng đã ra đời. Đó là: Người đưa linh của Đạo diễn và quay phim Trương Vũ Quỳnh; Nhà và tổ ấm của Đạo diễn và quay phim Ngô Thị Hạnh Đoan; Bọn trẻ ngày nay của Đạo diễn và quay phim Hoàng Tùng; Má lên thành phố của Đạo diễn và quay phim Trần Cúc Phương; Qua sông của Đạo diễn và quay phim Nguyễn Minh Sơn; Hạnh phúc giản đơn của Đạo diễn và quay phim Nguyễn Minh Kỳ...

Cuối năm 2010, tại khuôn viên Viện Goethe (Hà Nội), các phim tài liệu này đã được giới thiệu với công chúng thủ đô. Và trước đó không lâu, các Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và Trương Vũ Quỳnh cùng các phim này đã lên đường đến Paris theo lời mời của Bảo tàng Quai Brandly. Tại đây, sau những buổi chiếu, thông qua các cuộc trao đổi giữa khán giả và những người làm phim, cách thể hiện mới của các phim ngắn này đã chiếm được cảm tình của khán giả.

Từ những bước đi ban đầu đến Việt Nam, Varan đã ngày càng khẳng định qua từng trại sáng tác hằng năm. Hiện nay, Varan tiếp tục mở một khóa nâng cao về phong cách làm phim này ở Đà Nẵng. Một trong những người phụ trách dự án này tại Việt Nam, Đạo diễn Đoàn Hồng Lê hy vọng “Chúng tôi đang chờ đợi những phim mới từ trại sáng tác này…”.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.