Việc khai quật quần thể phế tích rộng lớn ở tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ từ hơn một tháng nay, diễn ra khá thuận lợi. Dường như ai cũng chỉ háo hức xem “hôm qua đoàn phát hiện thêm được gì, hôm nay thì sao, mai sẽ làm gì?”... Còn lòng dân sở tại, dường vẫn còn là vấn đề bị bỏ ngỏ...
“Chúng tôi rất tự hào...”
Ông Tồn đang chỉ về phía Tây hố khai quật. |
Không biết đây là lần thứ mấy dẫn khách đến thăm hố khai quật, nhưng ông Ông Văn Tồn (trú ở tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) vẫn hăm hở, ân cần như mới ngày đầu. Là người gắn bó với vùng đất này từ những năm 50 của thế kỷ trước, chỉ về hướng hố khai quật, ông Tồn kể: “Trước đây, dấu tích Chăm ở đây nhiều lắm, nhưng sau đợt thu gom của chủ điền Phong Lệ (theo lệnh của chính quyền Pháp), địa điểm khảo cổ Phong Lệ bị bỏ hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, um tùm, ít người qua lại. Tưởng sẽ chẳng còn ai để ý đến, nhưng bây giờ, có đoàn khai quật về làm việc thế này, chúng tôi vui và hy vọng lắm”. Nói rồi ông Tồn lại hồ hởi dẫn chúng tôi lên các gò cao phía Tây hố khai quật - nơi có thể tập trung những di tích quan trọng, cây cỏ um tùm nhưng ông Tồn cứ nói rành rọt, như thể cả tòa tháp Chăm đang sừng sững trước mắt. Còn khách chỉ biết chăm chú lắng nghe, và tưởng tượng.
Thật khó để cắt ngang dòng xúc cảm của người dẫn đường, nhưng chúng tôi không thể làm khác. Chuyến này lên, phải gặp được vài người dân, nhất là những người ở ngay cạnh hố đang khai quật, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Nhưng, trời đã gần tối mà chưa ai đi làm về. Theo hướng dẫn của ông Tồn, chúng tôi gặp được cô Út đang ngồi bán hột vịt lộn ở ngoài đường cái, cách đó không xa.
“ Phải dời nơi ở, tôi cũng sẵn sàng...”
Không giống như ông Tồn, cô Lê Thị Út (cô Út) mới về đây sinh sống từ những năm 1991-1992, cô thuộc diện đặc biệt nghèo của phường, đau ốm liên miên, một mẹ một con, sinh nhai bằng nghề bán trứng vịt lộn. Cô bảo: “Nhà không có gì, nhưng giúp được gì cho đoàn khảo cổ là cô giúp chẳng tiếc công”. Vì nhà chỉ cách hố khai quật vài mét nên “nếu cần dời đi, tôi cũng sẵn sàng, miễn làm sao công việc của đoàn được thuận lợi”. Với lại, “thà không biết thì thôi, biết mình đang sinh sống ngay trên một nhà thờ cổ, đi, đứng, nằm, ngồi tự do như thế thật không đặng. Chỉ mong Nhà nước bố trí cho mẹ con tôi chỗ ở mới, để ổn định cuộc sống”.
Người dân chăm chú xem diễn tiến công việc khai quật và sẵn sàng phụ giúp khi cần. |
Trước thái độ đầy thiện chí của người dân, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm xúc động nói: “Trước thực trạng nhiều khuôn viên chùa, đền, đình đang bị hàng trăm hộ xâm lấn do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ở một số thành phố lớn ở hai đầu đất nước, việc giải tỏa di dời các hộ dân trong khu vực di tích gặp nhiều khó khăn, thì ở Hòa Thọ Đông mình, lòng dân thật quý hóa. Đây là một nhân tố quan trọng để công việc khai quật của chúng tôi diễn tiến thuận lợi từ ngày động thổ đến giờ”.
Báo cáo sơ kết tháng đầu tiên khai quật di tích Phong Lệ cho biết: “Khu di tích khảo cổ Phong Lệ phân bố trong một diện tích khá rộng lớn (khoảng 3.000 mét vuông) trên những độ cao khác nhau… Sắp tới, bên cạnh công tác bảo quản hố đang khai quật khỏi bị hư hại khi mưa gió, xử lý gần 30 di vật đã thu lượm được, đoàn sẽ khai quật, thám sát thêm một số hố dài để xác định cụ thể vị trí của từng di tích và giới hạn của cả khu di tích”. |
Bài và ảnh: Thanh Tân