.

Nghệ sĩ không nên là công chức!

.

Lâu nay, ở nước ta, hưởng lương theo ngạch công chức vẫn được áp dụng với hầu hết ngành nghề, kể cả các nghệ sĩ, diễn viên (NS, DV). Trong hoàn cảnh hiện nay, thực tế đó cần được thay đổi vì nhiều lẽ.

Mô tả ảnh.
Để có một vai diễn thuần thục, ngoài năng khiếu, các NS, DV phải rất  kỳ công. Trong ảnh: Một cảnh trong vở tuồng “Mạnh Lương ra hang”.

 

Đặc thù nghề nghiệp

“Khái niệm công chức ra đời từ khi có Nhà nước, gắn với “khuôn vàng thước ngọc”, ứng với 8 giờ làm việc mỗi ngày, với trình độ ngạch bậc xuất phát điểm. Không giống những công chức khác, thời gian làm việc của người NS, DV thật khó đo đếm, càng không thể khuôn gò trong 8 giờ đồng hồ mỗi ngày. Để đạt một vai diễn, có khi họ phải mất hàng trăm giờ. Còn nói về việc đào tạo DV, NS thì ngoài những điều kiện bắt buộc về trình độ văn hóa, còn cần một điều kiện cao hơn, đó là năng khiếu. Có không ít NS, DV trưởng thành không qua đào tạo trường lớp mà chỉ qua phương thức truyền nghề, không có ngạch bậc đào tạo. Và rồi, có tài nghệ đến đâu họ cũng chỉ được hưởng lương ở ngạch, bậc thấp nhất” - Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết.

Còn lực lượng có qua trường lớp, đối với các bộ môn nghệ thuật (NT) truyền thống (tuồng, chèo, cải lương…), việc đào tạo ở ngạch bậc đại học, cao đẳng mới có từ một, hai năm nay (trước đó, chỉ có trung cấp). Do đó, đa số DV, NS của chúng ta chỉ hưởng lương ở ngạch trung cấp, bậc cao nhất là hệ số lương 4,06. Là NSND, NSƯT, có những người hơn 40 năm cống hiến vẫn không thể nằm ngoài bậc lương này (hạng 3). Còn muốn chuyển lên ngạch lương hạng 2 thì ngoài tấm bằng đại học chuyên môn, còn phải thành thạo vi tính, ngoại ngữ, lý luận chính trị… Những môn này lại không thuộc sở trường của người NS. “Vậy là vô tình chúng ta đã buộc các NS phải thành công chức. Hơn nữa, nhiều NS, DV đã qua đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng chính thống cũng chưa chắc đã có thể làm nghề, trong khi đó, nhiều người bằng cấp thấp, hoặc không có bằng cấp lại rất vững vàng”- Ông Tuấn nói thêm.

Cần có chế độ riêng

 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các hoạt động VH-NT, ngoài những đề xuất đang được triển khai về chế độ cho các NS, DV, thành phố đã quyết định cấp hơn 1 tỷ đồng để có những hỗ trợ thiết thực như xe đưa đón DV, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các sô diễn phục vụ du lịch, trang phục, đạo cụ, ghế ngồi... cho các NS.

Nhìn một cách thẳng thắn thì phần lớn các NS ở Đà Nẵng không thể sống được với nghề. Các nhà văn, nhà thơ của chúng ta đều xem văn chương chỉ là “cái nghiệp”. Ngay cả những người trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ như nhà thơ Thanh Quế cũng không khắt khe khi mà các bạn trẻ có năng khiếu văn chương hiện nay có phần “so đo” khi lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Các nhạc sĩ Đà Nẵng lấy việc “viết thuê” để “lấy ngắn nuôi dài”…

 

Riêng các DV hay NS biểu diễn các môn NT truyền thống thì ngoài các sô diễn là phải tranh thủ đi thổi kèn, đệm nhạc đám cưới, đám ma… để kiếm thêm thu nhập. Thực tình không ai muốn, nhưng đồng lương quá ít ỏi, chẳng thể làm khác, “vì mình có sống, mới theo nghề được” - một DV trẻ bộc bạch. “Ví dụ đơn giản, tại sao bóng đá - cũng là nghề chủ yếu dựa vào năng khiếu?? có chế độ lương bổng riêng, nhưng những người làm NT lại không?” - NSƯT, đạo diễn tuồng Cao Đình Liên băn khoăn.

Trước sự không thỏa đáng về chế độ lương bổng với NS, ở một số tỉnh, thành đã có đề xuất các nhà quản lý quan tâm đối với các NS nói chung, đặc biệt là các NS hoạt động trong lĩnh vực NT truyền thống. Đơn cử, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Khánh Hòa hiện đang hỗ trợ thêm cho các DV tuồng và dân ca mỗi người 500 nghìn đồng tiền lương và 700 nghìn đồng tiền trợ cấp. Còn ở Đà Nẵng, trong cuộc gặp gỡ đầu năm (ngày 11-2-2011) giữa lãnh đạo thành phố với các lãnh đạo ngành VH-TT&DL, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã giao cho Sở VH-TT&DL, Sở Nội vụ và Sở Tài chính phối hợp đề xuất chế độ cho NS, DV.

Được biết, lãnh đạo Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo hai đơn vị NT của thành phố là Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh rà soát lại đội ngũ DV, phân loại DV chính, DV chính thứ và DV khác để đề xuất chế độ phù hợp cho từng đối tượng DV. Các đơn vị đã hoàn thành danh sách, bước tiếp theo là Sở VH-TT&DL và các bên liên quan sẽ có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo thành phố để đi đến những quyết định cuối cùng nhằm nâng lên một bước đời sống những người làm nghệ thuật…

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.