Mục tiêu chủ yếu về văn hóa nêu lên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 thông qua tại Đại hội XI của Đảng là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tiễn ở Đà Nẵng, cần có những giải pháp cụ thể và lâu dài. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Triển lãm ảnh bên bờ sông Hàn. |
* P.V: Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Vậy theo ông, cần phải làm gì để duy trì những giá trị văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc riêng của Đà Nẵng?
- Ông Nguyễn Nho Khiêm: Trong những năm qua đời sống văn hóa của thành phố Đà Nẵng đã được nâng lên nhiều mặt. Sự phát triển kỳ diệu của Đà Nẵng về cơ sở hạ tầng đô thị và việc mở rộng thành phố về hướng Tây Bắc, hướng Nam (Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ) làm sống dậy không gian văn hóa cả 3 vùng: sông, biển và núi, tạo cho Đà Nẵng một thế đứng văn hóa đặc thù và độc đáo. Dọc bờ biển từ Nam Ô đến Ngũ Hành Sơn, dọc các con sông Cẩm Lệ, sông Hàn, sông Cổ Cò… và các cụm núi bao quanh thành phố từ Bà Nà - Núi Chúa đến Hải Vân, Sơn Trà, Non Nước đều là những địa danh văn hóa và du lịch nổi bật trong nước và quốc tế. Nhờ đó, nhu cầu hưởng thụ những giá trị văn hóa tiên tiến của người dân thành phố được đáp ứng ngày một tốt hơn.
Sự phát triển của văn hóa nghệ thuật luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa đô thị; đẩy mạnh thực hiện các chương trình “5 không”, “3 có”; Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”; có biện pháp hợp lý giải quyết việc làm, giúp đỡ các hộ nghèo ổn định cuộc sống tốt hơn… Bên cạnh đó, việc xây dựng ý thức công dân đô thị trong mỗi người dân thành phố luôn phải được quan tâm đúng mức. Về các thiết chế văn hóa, cần quan tâm đến giá trị kiến trúc và hiệu quả sử dụng, trong đó chú ý hơn các công trình như: Nhà làm việc và hoạt động của hơn 700 văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành thành phố, Thư viện, Khu triển lãm nghệ thuật và các không gian cây xanh, công viên trong đô thị, các khu dân cư.
* P.V: Theo ông, những giải pháp cơ bản nào cần thực hiện để khuyến khích sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn theo yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 thông qua tại Đại hội XI của Đảng?
- Ông Nguyễn Nho Khiêm: Tạo điều kiện để khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm tinh thần chất lượng cao phục vụ đời sống là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, không hẳn đầu tư nhiều tiền là có ngay những tác phẩm chất lượng. Theo tôi, trước mắt chúng ta cần một số giải pháp cơ bản như: tiếp tục củng cố về tổ chức và hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành. Ít nhất mỗi Hội cũng có được 1 định xuất biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động chuyên môn từ ngân sách của thành phố. UBND thành phố hoặc các tổ chức kinh tế, xã hội khác có thể “đặt hàng” mua các sản phẩm sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ các tác phẩm văn học, ảnh nghệ thuật, tranh, tiết mục sân khấu, múa, tác phẩm âm nhạc, kiến trúc… đều là những sản phẩm không thể thiếu trong đời sống, nếu được “đặt hàng” một cách hợp lý thì giới văn nghệ sĩ thành phố có điều kiện sáng tác tốt hơn.
Ngoài ra, thu hút “chất xám” giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác phục vụ đời sống văn hóa của thành phố cũng là một giải pháp khôn ngoan. Chúng ta có thể tổ chức cuộc vận động sáng tác “Viết về Đà Nẵng” trên phạm vi toàn quốc. Với nét quyến rũ của thành phố, tôi tin rằng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… trong và ngoài nước sẽ có nhiều tác phẩm hay. Hoặc chúng ta mở trại Điêu khắc đá quốc tế tại Đà Nẵng. Các tác phẩm điêu khắc chất lượng cho dựng tại các cung đường đẹp, dọc bãi biển của thành phố để tạo cho thành phố một nét đặc thù là “thành phố của tượng đá nghệ thuật”. Trong văn hóa, văn học nghệ thuật muốn phát triển nhanh và bền vững thì việc tiếp thu tinh hoa trong nước cũng như của thế giới là việc hết sức quan trọng. Tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài cũng là một cách thúc đẩy quá trình sáng tạo của giới văn nghệ sĩ thành phố.
* P.V: Ông nhận định như thế nào về đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở Đà Nẵng hiện nay? Giới văn học, nghệ thuật cần phát huy những mặt tích cực cũng như hạn chế những khuyết điểm gì để phát triển lĩnh vực này theo đúng định hướng của Đảng?
- Ông Nguyễn Nho Khiêm: Đội ngũ hơn 700 văn nghệ sĩ hoạt động trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, nghệ thuật múa, điện ảnh, kiến trúc, nghiên cứu văn nghệ dân gian của thành phố hiện nay là một tiềm năng sáng tạo và “tài sản tinh thần” quý. Trong những năm qua, trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật chúng ta có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, văn nghệ sĩ thành phố sáng tác chưa đều tay, chưa có tác phẩm đỉnh cao, sức lan tỏa của tác phẩm trong người dân thành phố cũng như trong nước còn hạn chế.
Tác phẩm văn học, nghệ thuật trong bất cứ thời kỳ nào cũng phải phản ánh cho được thực tế sinh động của thời đại mình đang sống. Với Đà Nẵng hiện nay, những ưu thế về tự nhiên và sức sống năng động trên các lĩnh vực là một đề tài lớn cho văn nghệ sĩ khai thác và sáng tạo nên tác phẩm của mình. Tôi tin trong những năm đến Đà Nẵng là một điểm hội tụ tinh hoa văn nghệ, là một nơi sáng tác lý tưởng của giới văn nghệ sĩ trong nước.
* P.V: Xin chân thành cảm ơn ông.
Hà An (Thực hiện)