.

Chuyện trùng tu di tích ở Đà Nẵng

.
Chuyện về trùng tu di tích ở Đà Nẵng tưởng không còn mới mẻ: thành phố tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực tế, hoạch định nhiều kế hoạch sát sao, cụ thể, nhưng không có nghĩa là không còn gì để lo…

Mô tả ảnh.
Đình Thạc Gián, quận Thanh Khê, đã được trùng tu với kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Văn Thành Lê
 
Di tích xuống cấp: Thắc thỏm chờ... trên

“Các cô nhắn giúp đến thành phố hỗ trợ chúng tôi ít kinh phí để đình làng Quan Nam sớm được khôi phục”. Đó là câu đầu tiên mà ông Trường-người cao tuổi trong thôn Quan Nam, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang thốt lên khi chúng tôi muốn tìm hiểu thực trạng đình làng. Ông Trường kể: “Các cô không biết đấy thôi, đình này ngày xưa vốn to đẹp lắm, nhưng chiến tranh tàn phá dữ quá, giờ chẳng còn chi. Đời sống của người dân ngày một đi lên rồi, nhưng vẫn cứ cần một chỗ dựa tâm linh của làng”. Nói đoạn, ông lại phân trần: “Bựa ni cái chi cũng Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân tự lo không nổi, Nhà nước thì nhiều việc làm không hết nên chúng tôi chỉ cần thành phố hỗ trợ một ít thôi, dân đã sẵn sàng…”. Rồi ông nhất định dẫn chúng tôi đến bãi đất nửa gò đồi, nửa đồng ruộng-nơi vừa được thành phố chỉ định xây đình theo quyết định số 5904/QĐ-UBND, để khoe… Thực lòng, chúng tôi vừa cảm thông, vừa ái ngại, bởi một khi đình làng của người dân nơi đây chưa được công nhận ở một cấp nào vượt ra ngôi làng của họ thì theo nguyên tắc, gần như họ sẽ “không có gì để chờ đợi”.

Số phận đình làng Quan Nam như thế đã đành một nhẽ, nhưng cũng thuộc địa phận xã Hòa Liên, đình Hưởng Phước tiếng tăm với 15 sắc phong từ thời vua Gia Long, Minh Mạng đến Khải Định, lại vừa được công nhận là di tích văn hóa-lịch sử cấp thành phố theo quyết định số 5833/QĐ-UBND của UBND thành phố, đang bị xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay nhưng dân làng vẫn không thể làm gì khác hơn ngoài việc chờ đợi. Ông Phạm Xích, Trưởng thôn Hưởng Phước tâm tư: “Chúng tôi đã làm đơn không biết đến mấy lần, kế hoạch, bản vẽ đình đã hoàn thành vào các năm 1999, 2004, 2009… dự trù số tiền quyên góp trên đầu người dân cũng đã có con số cụ thể, cộng đi cộng lại mấy lần rồi mà cũng phải chờ”.

Nỗi lo di tích “bị” mới!

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 5833, xếp hạng đình làng Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố.
Chuyện người dân lo lắng, sốt ruột vì sợ di tích không kịp trùng tu sẽ bị xóa sổ là chuyện đương nhiên nhưng có những di tích đã được trùng tu khang trang, khánh thành, rước bằng rồi nhưng các cụ vẫn không vừa lòng, thậm chí còn “bất bình” ra mặt thì rõ là đã có vấn đề.

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, đình Hải Châu (cấp quốc gia) vừa được trùng tu chưa lâu, thì “nhận được” khá nhiều phản ứng, đặc biệt là phản ứng từ phía bà con các chư, phái tộc. Ông Nguyễn Duy Ninh-người con của tộc họ Nguyễn Văn than thở: “Chuyện đình làng Hải Châu xây mới thì đẹp đấy, nhưng đi vào sao chúng tôi cứ thấy lạc lõng, không còn nếp xưa nữa”. Còn trưởng tộc, bậc cao niên uy tín Nguyễn Văn Dũng, người đã từng chứng kiến bao thăng trầm của ngôi đình thì lắc đầu: “Khác hoàn toàn cháu ơi, đấy không phải đình làng của chúng tôi nữa, không nói cấu trúc phức tạp này nọ của cái đình, chúng tôi chỉ muốn hỏi cái chuông phía sau đình đi đâu mất rồi, tại sao lại mọc ra cái hòn non bộ trước sân như thế?...

Ngay cả đình Thạc Gián, một trong những ngôi đình được coi là trùng tu có bài bản, lại rút kinh nghiệm từ nhiều đình đi trước, nhưng với những người am hiểu, có sự tinh tế trong cảm nhận thì “đình giữ lại được toàn bộ cái hình hài của đình xưa, nhưng cái hồn vía của đình thì bị rơi rớt nhiều rồi”. Ông Nguyễn Ngọc Nghỉ chỉ nhận là người con của đất Thạc Gián (chứ nhất định không nói chức danh) rất am hiểu và tận tâm với những “tích xưa dấu cũ” cho biết. Làm rõ nhận định của mình, ông Nghỉ dẫn giải: “Các họa tiết ngày xưa rất uyển chuyển, ngày nay sặc sỡ đấy nhưng thiếu chiều sâu; sự hòa quyện, giao thoa giữa thơ và họa trên các bức tranh cũng không còn… Nhưng chú không trách ai, xưa khác, nay khác, nội tình có nhiều vấn đề phải bàn lắm”.
 
Bài và ảnh: Tân Tân            
(Còn nữa)
;
.
.
.
.
.