.

Chuyện trùng tu di tích ở Đà Nẵng (tiếp theo)

.
 (Tiếp theo và hết)
 
Ai cũng biết, trùng tu di tích là việc hệ trọng không chỉ riêng một địa phương, một quốc gia nào. Đó càng không phải là chuyện ngày một ngày hai, không của riêng cá nhân, cơ quan, cấp chính quyền nào… mà đòi hỏi một sức mạnh tổng lực. Và cội nguồn mọi sức mạnh sẽ không gì khác, ngoài niềm tin và cái tình với di sản.

Mô tả ảnh.
Đình Túy Loan sau trùng tu vẫn uy nghiêm với dấu xưa nét cổ như một chỗ dựa của niềm tin.
 
Phải hiểu nội tình

Điều đáng mừng là hiện nay, “ở Đà Nẵng hầu hết các di tích cấp quốc gia và cấp thành phố đã được trùng tu, tôn tạo bảo đảm đúng theo quy trình Luật Di sản Văn hóa và Quy chế bảo quản, trùng tu di tích. Nhiều di tích được trùng tu khá bài bản và đồng bộ như đình làng Túy Loan, Bồ Bản, đình Nại Nam, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đình Dương Lâm… Đối với di tích đình Hưởng Phước (theo phản ánh có nguy cơ bị xóa sổ) thì do địa phương không quan tâm đúng mức nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn về nguyên tắc, đình đã được xếp hạng sẽ được cấp kinh phí trùng tu. Mọi thứ cần tuân theo quy trình, Nhà nước không thể cùng một lúc đầu tư cho tất cả các đình. Đó là thực tế”. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết.

“Còn chuyện làm mới di tích, chúng ta cũng không có gì phải quá căng thẳng, đó là chuyện ngoài ý muốn vì nhiểu nhẽ chứ không ai muốn trêu ngươi các cụ, hay muốn đánh mất lịch sử”, ông Nguyễn Ngọc Nghỉ, người con đất Thạc Gián điềm đạm nói. Rồi ông giải thích: “Quy trình trùng tu khá phức tạp, phải khảo sát, kế đến tìm đơn vị tư vấn thiết kế, dự trù kinh phí, chờ được duyệt, nhưng duyệt thấp hơn dự trù, thế là phải điều chỉnh, cắt bỏ hoặc lựa chọn phương án tối ưu thế là có khi phải linh hoạt mà khác nguyên mẫu đi một chút. Trong quá trình trùng tu lại thường có rất nhiều ý kiến của nhiều người khác nhau… rồi sự thúc ép của tiến độ, của ngày công được giao, người thợ nhiều khi không thể có thì giờ để ngắm nghía, trau chuốt sản phẩm của mình… Bấy nhiêu thôi cũng đủ để ta hình dung được nội tình cái sự khác xưa, sự mới lạ, tân kỳ của một số di tích trên địa bàn thành phố”.

Để chung tay

Thành phố Đà Nẵng hiện có 16 di tích cấp Quốc gia, 37 di tích cấp thành phố và gần 200 di tích đã được kiểm kê. Từ 2006 đến 2010 đã có 14 di tích được xếp hạng, được trùng tu tôn tạo, với kinh phí ước 29 tỷ đồng.
Nguồn: Sở VH-TT&DL Đà Nẵng.
“Hiện nay, vấn đề khá nổi cộm là di tích vùng quy hoạch, do không ít nhà quy hoạch chạy theo lợi nhuận, tiết kiệm đất để phân lô bán nền nên ít quan tâm đến di tích văn hóa. Quy hoạch hỏng có thể làm lại, nhưng di dời một di sản văn hóa trên 200, 300 năm thì rất khó làm lại bởi trong đó gắn bó với kỷ niệm buồn vui của nhiều thế hệ... Người làm quy hoạch phải có cái tình với văn hóa thì khi quy hoạch mới không để mất di sản, mất văn hóa. Trùng tu di tích nói chung cũng thế, người tham gia trùng tu phải có cái tình”. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa thành phố nói.

Thiết nghĩ, không chỉ người làm quy hoạch mà tất cả mọi người, mọi ngành, từ dân đến các cấp chính quyền, ngành chức năng đều nên có cái tình với di sản, với văn hóa cộng đồng và thay vì tìm người đổ lỗi, thì mỗi người hãy góp một tay... chung giữ “cái hồn” của thành phố.

Bài và ảnh: Tân Tân
;
.
.
.
.
.