.

Giải thưởng VH-NT thành phố Đà Nẵng: Bắt nhịp hơi thở cuộc sống

.
Tối 12-8 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng VH-NT thành phố lần thứ II, năm 2010. Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng, các tác phẩm đoạt giải trong đợt này đã phản ánh rõ nét sự đồng hành của hoạt động văn học-nghệ thuật với quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Mô tả ảnh.
Các thế hệ văn nghệ sĩ tham gia giao lưu tại buổi lễ trao giải thưởng VH-NT lần thứ II.
 
Để tiến hành trao Giải thưởng VH-NT thành phố lần này, UBND thành phố đã lập ra Hội đồng Giải thưởng cấp thành phố. Căn cứ vào quy chế của UBND thành phố, Hội đồng xét thưởng các cấp cơ sở như Hội đồng giải thưởng các chuyên ngành, Hội đồng giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật và Sở VH-TT&DL cũng đã được thành lập.

Theo quy chế, mỗi tác giả ở từng chuyên ngành nghệ thuật được chọn 2 tác phẩm tham dự giải; đối với giải cá nhân tiêu biểu, các cá nhân có bản báo cáo thành tích hoạt động gửi cho Hội chuyên ngành và các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để dự xét giải thưởng. Với số lượng 215 tác phẩm và 12 tác giả tham gia lần này, theo ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VH-NT thành phố Đà Nẵng - Cơ quan Thường trực Giải thưởng cho biết, đấy là những tín hiệu đáng phấn khởi và đã đánh giá đúng thành tựu VH-NT của thành phố trong 5 năm qua. Các tác phẩm được đề nghị tặng thưởng ở nhiều thể loại văn học-nghệ thuật, đã từng đoạt nhiều giải thưởng hằng năm, trong đó có nhiều giải thưởng cao của Hội chuyên ngành Trung ương, của Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam cũng như giải thưởng ở các cuộc thi toàn quốc khác. Điều này cho thấy sự phát triển về loại hình, về quy mô các tác phẩm, sự đầu tư công sức và sự thành công trong sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố. Cụ thể, đó là những tác phẩm được đầu tư dài hơi, phải trải qua quá trình sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu kỹ lưỡng như Cụm tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu “Văn nghệ dân gian đất Quảng” (gồm 4 tập) của các tác giả, chủ biên Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng; kịch múa “Một thời và mãi mãi” của các NSƯT Lê Huân, Hồng Hà và Bá Thái.

Đặc biệt, tiểu luận phê bình văn học “Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít” của Nguyễn Minh Hùng được Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao, bởi theo Ban tổ chức, đời sống phê bình văn học-nghệ thuật lâu nay hầu như quá mờ nhạt, sự xuất hiện của Nguyễn Minh Hùng - một nhà lý luận có phong cách, như khơi lại dòng chảy cho hoạt động lý luận phê bình văn học - nghệ thuật.

Đối với cá nhân, có nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại của các tác giả như: Trương Đình Quang, Võ Văn Hòe, Huỳnh Hùng, Bùi Văn Tiếng, Hoàng Hương Việt, Trần Trung Sáng… đã đoạt giải. Ngoài ra, còn có nhiều tác giả đã đóng góp trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động VH-NT trong giai đoạn 2005 - 2010 như: NSƯT Lê Huân, NSND Trần Đình Sanh, NSNA Hồ Xuân Bổn, diễn viên tuồng Phan Văn Quang; các cố họa sĩ Từ Duy và Nguyễn Đức Hạnh…

Để chọn ra những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện được sự phát triển của văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội đồng giải thưởng các cấp đã làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, công tâm; nhất là việc xét giải lần này đã có sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hàng đầu của các Hội chuyên ngành nghệ thuật ở Trung ương, bao gồm các NSND, NSƯT, các Chủ tịch Hội, các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu đã từng làm thành viên các Ban giám khảo ở Trung ương. Chính điều đó đã góp phần làm nên thành công của Giải thưởng VH-NT thành phố lần thứ II.

Ông Bùi Công Minh cho biết, sau khi công bố giải thưởng này, công chúng Đà Nẵng sẽ được thưởng thức các tác phẩm VH-NT đoạt giải của các văn nghệ sĩ thành phố, qua đó, phần nào thấy được thành phố chuyển mình, bứt phá vươn lên trở thành một thành phố hiện đại, văn minh.

Tuy nhiên, thông qua giải thưởng lần này, vẫn còn quá thiếu các sáng tác của lực lượng văn nghệ sĩ trẻ thế hệ 8x, 9x. Đó cũng là vấn đề đáng báo động về sự hụt hẫng đội ngũ sáng tác VH-NT trong tương lai. Sự phân bố giải thưởng cũng không đều ở các lĩnh vực sáng tác, cụ thể là lĩnh vực kiến trúc không có giải thưởng, lĩnh vực phê bình văn học-nghệ thuật lại quá ít. Bên cạnh đó, tuy là giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần, nhưng không có những tác phẩm mang tầm vóc lớn, thể hiện sự nổi bật của giải và có tầm ảnh hưởng trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN
;
.
.
.
.
.