Một trong những chức năng quan trọng của bảo tàng là công tác sưu tầm hiện vật. Tuy nhiên, những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, những người làm công tác này đành nghẹn ngào để những hiện vật rơi vào tay những nhà sưu tầm đồ cổ hoặc tìm đường ra nước ngoài.
Trong những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng. Nhận thức được vai trò và trách nhiệm, những người làm công tác bảo tàng đã định ra cho mình một hướng đi đúng về công tác sưu tầm. Bởi chỉ có sưu tầm thì mới có thể thu thập được các hiện vật gốc, góp phần bổ sung, xây dựng và hoàn thiện các bộ sưu tập, tăng thêm sự sinh động và hấp dẫn cho khách tham quan.
Tuy nhiên, công tác sưu tầm hiện vật hiện nay đã đặt ra không ít khó khăn cho những người làm công tác bảo tàng. Một trong những trở ngại lớn đó là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sưu tầm đồ cổ trong và ngoài nước với bảo tàng để sở hữu hiện vật. Chị Trương Thế Liên, Phó phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Đà Nẵng tâm sự, “cán bộ bảo tàng bỏ công sức đi sưu tầm, phát hiện hiện vật nhưng vẫn không sở hữu được những hiện vật là chuyện bình thường”. Chị kể, hơn một năm trước, chị và một số anh em trong phòng có một chuyến đi sưu tầm ở một vùng quê, phát hiện một hiện vật quý cho công tác bảo tàng. Sau khi thỏa thuận thời gian và giá cả, chị về cơ quan làm thủ tục, khi quay lại để tiếp nhận thì chủ nhân đã bán hiện vật cho người khác. Tìm hiểu ra mới biết, những đại gia đồ cổ đã mua với giá gấp 5 đến 6 lần giá bảo tàng đưa ra. Câu chuyện đó đã cho thấy vấn đề sưu tầm hiện vật bảo tàng hiện nay không chỉ đơn thuần là việc phát hiện, vận động chủ nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng mà là sự cạnh tranh quyết liệt bằng vật chất. Và, tất nhiên ai nhiều tiền hơn, hiện vật sẽ thuộc về người đó.
Thực tế hiện nay, các nhà sưu tầm đồ cổ đã lùng sục khắp mọi ngõ ngách, từng làng quê, khi phát hiện hiện vật, họ đeo bám đến cùng và mua cho bằng được với bất cứ giá nào nhưng không cần thủ tục rườm rà. Còn cán bộ bảo tàng muốn sưu tầm thì phải có thời gian làm đề xuất, xin ý kiến cấp trên, xin tiền…, làm xong thủ tục thì hiện vật đã rơi vào tay người khác. Đây cũng là một trong những bất cập làm trở ngại cho công tác sưu tầm hiện vật hiện nay mà Bảo tàng Đà Nẵng đang gặp phải.
Anh Huỳnh Đình Phước Thiện, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Đà Nẵng than phiền: Công tác vận động quần chúng đóng góp hiện vật cho bảo tàng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Anh lý giải: Nền kinh tế thị trường đã tạo ra cho người giữ hiện vật quan tâm đến lợi ích kinh tế hơn là ý nghĩa lịch sử của chính bản thân hiện vật, từ đó cán bộ bảo tàng không dễ gì đem lại hiện vật về đúng vị trí của nó. Anh Thiện cho biết, ở thành phố Đà Nẵng, hiện có nhiều hiện vật liên quan đến quá trình phát triển lịch sử của địa phương và của cả nước, nhưng đã bị phát tán ra khỏi thành phố. Muốn sưu tầm lại những hiện vật này, cần có sự phối hợp giữa bảo tàng Trung ương và các bảo tàng địa phương trên cả nước và điều quan trọng nhất là phải có sự đầu tư thích đáng của thành phố mới có thể sở hữu được những hiện vật có giá trị về khoa học lịch sử của thành phố.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, với lòng say mê nghề nghiệp, các thế hệ của Bảo tàng Đà Nẵng đã góp phần làm sống lại những giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Nhân dân coi đây là chốn linh thiêng, là “Nhà thờ của Đảng”, là trường học cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong thời gian đến, họ còn rất nhiều việc phải làm, nhất là công tác sưu tầm hiện vật. Bởi, quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, tốc độ phát triển ngày càng cao, những giá trị văn hóa, lịch sử cũng theo đó mà phai nhạt nếu không được đầu tư sưu tầm, bảo quản đúng mục đích để giữ gìn và giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: VĂN NỞ