“Cảm nhận văn chương là gửi mình vào một thế giới hư huyền, ở đó, tùy theo tâm cảm, văn hóa, năng lực…, mỗi người sẽ đi tìm và chiếm lĩnh một văn bản khác lung linh hơn, ý nghĩa hơn văn bản duy nhất, cố định bằng ngôn ngữ của tác giả…”.
Đó là quan niệm, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hơn 260 trang của tập Tiểu luận phê bình Cảm nhận văn chương ngôi thứ tư số ít của tác giả Nguyễn Minh Hùng đoạt giải A văn chương duy nhất cấp thành phố, giai đoạn 2005-2010, trong lễ trao giải hôm 12-8 vừa qua.
Tác giả cho biết, anh bắt đầu viết những dòng đầu tiên của cuốn sách này từ những ngày đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh viết khi đang là giáo viên dạy văn và bây giờ; viết khi anh vui, khi anh buồn; khi lòng thấy hân hoan rộng mở, khi âu lo muộn phiền; viết khi thấy mình nhiều hiểu biết, viết cả trong lúc mơ hồ…”. Ứng với mỗi thời điểm ấy, tác giả là một cái “tôi” không trùng lặp. Tôi hỏi anh: “Làm quản lý bận rộn như vậy, anh có cảm thấy bị hạn chế về thời gian khi viết tập sách này?” thì được trả lời: “Nếu có thời gian, nếu dồn hết tâm lực vào viết lách thì chưa chắc tôi đã không có cuốn sách này, bởi khi đó cái tâm cảm, văn hóa, năng lực… của tôi để cảm các văn bản ngôn từ đã khác rồi, và sản phẩm tất yếu sẽ không bao giờ trùng khít như cuốn sách tôi đang cầm trên tay”.
Đương nhiên, những sáng tác thuần túy-đối tượng phê bình trong tập tiểu luận của anh cũng gắn với cái cụ thể mà người phê bình không được phép quy chụp từ thời này sang thời khác, từ tác giả này, sang tác giả khác… Do đó, với văn chương “nói đúng chưa đủ, ta cần nói cho trúng”, nhà văn Minh Hùng khẳng định. Chính vì thế mà điều dễ bắt gặp khi đọc 45 bài viết trong suốt tập sách của tác giả Nguyễn Minh Hùng, là những cách đặt vấn đề rất cụ thể như “những chiếc bóng trong Mùa xuân chín”, “một khoảng không của Huy Cận”, “một đặc điểm thơ cổ phương Đông”, “lật lại những trang cuối của Th” hay chỉ là “về những dòng chữ bị bỏ sót trong cuốn nhật ký ấy”… Ngay cả, nỗi “hy vọng” cũng là “hy vọng bùi ngùi” cụ thể, “chiếc lá” là “chiếc lá hình giọt lệ”, hoặc một “con đường cỏ mọc” thôi chứ không phải là con đường chung chung.
Và điều nhà phê bình không chuyên này quan tâm thường là cái không ai để ý, ví như “những dòng nhật ký bị bỏ sót”, hay về “người em trai của Thúy Kiều”… Cái tài của Nguyễn Minh Hùng ở chỗ, từ “những cái không ai để ý” tưởng không đáng để ý ấy, hay đã quá quen đến độ tưởng không còn gì để nói, anh đã đi đến những khái quát thuyết phục nhờ khả năng phát hiện tinh tế, óc phân tích tỉnh táo và chiều sâu của trí tuệ, tâm hồn, vốn sống... Trong Trở về màu tím hoa sim, nói về cái chết của “người em nhỏ hậu phương” - “chết” không bởi chiến tranh để đi đến khẳng định “cái ngang trái bất thần giáng xuống lứa đôi, giáng xuống hạnh phúc của con người, cái nỗi cổ kim hận sự không ai lường được trong cõi người đầy bất trắc này…” điều mà trước đây chưa có nhà phê bình nào nói tới. Không dừng lại ở đó, nỗi nhớ Tây trong Tiến; đoạn kết Truyện Kiều… người đọc chắc chắn sẽ có những trải nghiệm bất ngờ, lý thú với những phát hiện mới mẻ của tác giả.
Tìm chân lý từ những điều tưởng như vụn vặt, từ những điều nhỏ nhặt để đi đến những khái quát lớn lao gắn với những giá trị vĩnh hằng của kiếp nhân sinh; cảm nhận với một cái tôi tự do, thư thái nhưng không quên “tuân thủ những nguyên tắc của lý luận phê bình”; “nguyên tắc lý luận phê bình” lại được ẩn dưới lớp lớp ngôn từ giàu có, uyển chuyển, mềm mại, tự nhiên… Đó là bản sắc của cuốn phê bình mới này. Thế nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhà thơ Nguyễn Kim Huy, người đã có thâm niên hơn một phần tư thế kỷ trong nghề biên tập sách văn học nhận xét: “Tập Tiểu luận phê bình Cảm nhận văn chương ngôi thứ tư số ít đem lại cho người ta cảm giác nhẹ nhõm, dễ hiểu, dễ thấm. Ngôn từ của Nguyễn Minh Hùng không gợn chút khoa trương, hàn lâm, kinh viện…, ngược lại, rất giản dị, trong sáng; vấn đề được phát hiện lại mới mẻ và sâu sắc làm nên sức nặng, độ đằm của tác phẩm”.
Còn với Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội đồng xét giải thưởng văn học-nghệ thuật thành phố lần 2 Bùi Công Minh thì “cuốn sách không phải là một bài điểm sách thông thường, nhiều bài trong tập, có tính phát hiện, có chiều sâu; người viết làm chủ được vấn đề, bình luận không dàn trải, chủ động nêu ý kiến của mình… Đó là xu hướng phê bình cần phát huy”… Trong khi đó, với tác giả Nguyễn Minh Hùng thì Cảm nhận văn chương ngôi thứ tư số ít chỉ là những “trang sách mỏng manh… tự giới thiệu một cách cảm nhận văn chương… một lần bước vào âm tiết của những giấc mơ để cất công đi tìm cái gì tồn tại giữa các dòng chữ”.
Bài và ảnh: Thanh Tân