Từ năm 2007 đến nay, nằm trong lịch ngoại khóa của một số trường THPT trên địa bàn thành phố, chương trình“Điện ảnh học đường” tại rạp chiếu phim Lê Độ như tổ chức cho học sinh xem các bộ phim xoay quanh những tác phẩm văn học trong nhà trường, đã tạo hiệu ứng tích cực đối với việc học cũng như giảng dạy bộ môn đang rất “kén” người theo đuổi này.
Ý tưởng hay
Cô Lê Thị Ngọc Hòa, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Phan Châu Trinh (đơn vị dẫn đầu trong việc đưa học sinh đến rạp xem phim văn học) cho biết: “Từ tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh là một cách cụ thể hóa tác phẩm. Khi đến xem phim, các em sẽ được cung cấp một cách nhìn mới, cách cảm mới… Tất nhiên thầy cô phải lưu ý với các em văn bản bao giờ cũng là cái gốc, phim là cách điệu, nó không hoàn toàn trùng khít với tác phẩm văn học, để thấy rằng, đối với một tác phẩm có thể có nhiều cách hiểu…”.
Còn đối với thầy Nghĩa Phương, giáo viên dạy văn lâu năm tại trường, thì việc cho học sinh xem các bộ phim được dựng từ tác phẩm văn học “sẽ thêm một kênh thông tin để học sinh khắc sâu kiến thức bằng hình ảnh và âm thanh sinh động. Trước đây, ở trường trong giờ học thỉnh thoảng chúng tôi có chiếu những trích đoạn phim, nhưng thời lượng tiết học quá ít ỏi, nên hình thức đưa học sinh đến rạp xem phim thế này là một sự bổ trợ quá tốt. Đương nhiên, những tác phẩm điện ảnh này phải thật sự chất lượng, nếu không sẽ có tác dụng ngược”. Cô Lê Thị Bích Phượng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho hay: “Ban giám hiệu nhà trường rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các em đi xem phim, vừa giải trí, vừa học rất bổ ích. Những năm qua, năm nào cùng thế, luân phiên nhau, tất cả các em học sinh của trường đều lần lượt được đến rạp”.
Em Trịnh Cẩm Vân, học sinh lớp 11/3, Trường THPT Trần Phú bộc bạch: “Đến rạp xem tác phẩm văn học được dựng thành phim các em rất thích, có những chi tiết trong tác phẩm khi đọc bỏ sót, nhưng xem phim, được các diễn viên tái hiện sinh động làm cho em nhớ rất lâu. Nhà trường lại tạo điều kiện cho đi xem phim miễn phí, nên bọn em cảm thấy được ưu ái lắm”.
Và hiệu quả thực tế
Chương trình “Điện ảnh học đường” tại rạp Lê Độ thường kéo dài khoảng một tuần lễ trong tháng 9, tháng 10 hằng năm. Các phim được trình chiếu chủ yếu gắn với những tác phẩm văn học trong và ngoài nước đã được người đọc nhiều thế hệ ghi nhận như: “Làng Vũ Đại ngày ấy”; “Chị Dậu”; “Chị Tư Hậu”; “Thời xa vắng”; “Lục Vân Tiên”; “Long thành cầm giả ca”; “Chiến tranh và hòa bình”; “Romeo và Juliet”; “Những người khốn khổ”… |
“Cảm ơn bộ phim “Đừng đốt”, cảm ơn người thông dịch xưa, cảm ơn người sĩ quan quân báo Mỹ đã lưu giữ những kỷ vật… Và trên hết là cảm ơn liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết nên hai cuốn nhật ký cho đời để chúng em học tập và noi theo…” - Trích bài thu hoạch cảm nhận sau khi xem bộ phim “Đừng đốt” tại rạp Lê Độ của một học sinh Trường THPT Trần Phú; hay với phim “Romeo và Juliet”, một học sinh khác viết: “Cái chết của hai ngưởi trẻ tuy bi thương nhưng đã đoàn kết hai dòng họ, cái chết mang lại hòa bình cho mọi người…”.
Không chỉ thấm nhuần nội dung, điều đáng lưu ý là các bài thu hoạch chúng tôi chọn đọc một cách ngẫu nhiên này đều được viết một cách nắn nót, tỉ mẫn, cho thấy kết quả đáng mừng về mặt ý thức của các em. Về điều này, cô Bích Phượng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú nói thêm: “Những bài thu hoạch có chất lượng sẽ được tuyên dương dưới cờ ngay sau đợt xem phim tại rạp của các em. Do đó, các em có ý thức thi đua lắm”. Thầy Nghĩa Phương thì vui mừng khoe: “Đến tiết học, hay kiểm tra tác phẩm đã được xem phim, các em thường phát biểu hăng và trả lời một cách lưu loát, rành rọt; việc đọc tác phẩm theo vai nhân vật cũng được diễn cảm hơn nhiều”.
Nhìn chung, phản hồi từ việc xem phim phục vụ việc học của học sinh chủ yếu là tích cực, nhưng thực tế vẫn còn hiện tượng học sinh “đi xem cho có, đến chủ yếu buôn chuyện, gây ồn, bỏ về giữa buổi…” như phản ánh của em Võ Thị Kiều Anh, học sinh lớp 12/30 Trường THPT Phan Châu Trinh (đã hai năm cùng các bạn đi xem phim rạp). Và theo Kiều Anh, nếu việc viết bài thu hoạch được đốc thúc nhiều hơn, có chấm điểm thì “chúng em sẽ chăm chú, hăng hái hơn”. Còn theo cô giáo Ngọc Hòa, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của những buổi xem phim thì “các thầy cô phụ trách nên xem qua phim trước, phim nào nên cho học sinh xem, phim nào không nên mới dẫn học sinh đi, để tránh những tác động tiêu cực, tại các buổi chiếu nên dẫn các em đi và cùng các em theo dõi phim từ đầu đến cuối”.
Bài và ảnh: Thanh Tân