.

Một mầm văn chương

.

Bốn năm (2007 đến 2010) tham gia Trại sáng tác Văn học dành cho thiếu nhi, do Liên hiệp các Hội VH-NT phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức đều có giải, trong đó, 2 năm đạt giải nhất. 2 tác phẩm được in trong tập “Giao hưởng và đốm lửa” của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng năm 2010, nhiều tác phẩm đã được đăng báo, tạp chí; là một trong 2 đại diện của Đà Nẵng tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII…, cô bé viết văn thế hệ 9X Phạm Nguyễn Ca Dao bắt đầu được dư luận chú ý không chỉ bởi cái tên ấn tượng của mình.

 

Mô tả ảnh.
Ca Dao với Giáo sư Hồ Ngọc Đại tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ XIII.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Từ khi cất tiếng khóc chào đời, Ca Dao đã được cha mình, một giáo viên dạy văn, trong cách đặt tên cho cô con gái rượu đã “muốn dẫn dắt em vào con đường văn chương”. Và niềm hy vọng của người cha sẽ khó trở thành hiện thực nếu cô con gái không có thiên hướng văn học, không có ý thức với cái địa hạt gian nan mà em bắt đầu chập chững bước tới. Tiếp xúc lần đầu với cây bút nhí này, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi phát biểu giản dị nhưng không kém phần già dặn về lý do em cầm bút: “Văn chương đến với em chỉ đơn giản như sự trải lòng trong những phút thảnh thơi… Viết để tập cho mình thói quen quan sát, nhìn nhận, suy ngẫm từ những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống quanh mình”.

 

Điều đáng quý là thành công bước đầu (tạm gọi như vậy) của cô bé là thành quả của một quá trình nỗ lực, chứ hoàn toàn không phải là sự phó mặc cho cái gọi là “năng khiếu”. Ca Dao kể: “Em tập tành viết văn từ những ngày đầu lớp 7. Ban đầu chỉ đơn giản là những bài làm văn trong chương trình, nhưng về sau này em vẫn lưu giữ và phát triển chúng lên thành truyện. Em thực sự viết vào mùa hè năm 2007 khi tham gia Trại sáng tác của Hội Nhà văn thành phố. Vài ý tưởng ban đầu đó được chắp cánh nhờ tham gia trại. Tham gia lần đầu, chúng em được đi thực tế ở trường giáo dưỡng và từ câu chuyện về một trại viên em đã viết truyện ngắn “Những cơn mưa” và đạt giải 3. Cảm xúc lúc đó thực sự vui mừng, đặc biệt em là trại viên nhỏ tuổi nhất nên đã có sự tự tin hơn vào mùa trại năm sau. Từ đó, em mới bắt đầu có ý thức viết truyện”.

Chỉ muốn được là chính mình…

Không phủ nhận vai trò dẫn dắt, góp ý của bố, của các thầy cô, các nhà văn, nhà thơ em được tiếp xúc, nhưng cô bé viết văn 9X không bao giờ quên ý thức về cái tôi trong mỗi trang viết của mình: “Em rất tôn trọng các ý kiến đóng góp của người đi trước, nhưng có nhiều ý em vẫn giữ nguyên theo cách suy nghĩ và cảm nhận của mình”. “Em mê đọc những truyện của Nam Cao, Thạch Lam chứ em không coi đó là thần tượng. Em sợ sự so sánh. Em không muốn giống một số fan ca nhạc cố gò mình tạo dáng, hát nhép cho giống ca sĩ thần tượng. Em muốn là chính mình - dẫu là cô bé xấu xí - nhưng xin đừng bảo rằng em giống ai đó. Tại sao mình lại không giống mình chị nhỉ?” - Ca Dao bộc bạch.

Và cô học trò nhỏ “yêu những điều nhỏ nhặt” cũng bắt đầu mạnh dạn khẳng định sở trường của mình ở thể loại truyện ngắn. Nó phù hợp với “một cô bé”, với “sự phản ánh về một góc rất nhỏ từ thế giới mà hằng ngày em vẫn đang trải nghiệm”. Đó không gì khác hơn “một chút nhẹ nhàng trước cảnh vật thiên nhiên, một sự mềm mại trước số phận nhân vật…”.

Ca Dao không hứa hẹn điều gì to tát về tương lai, với em “để trở thành NHÀ VĂN đích thực khó vô cùng”, nhưng cuộc gặp gỡ đã nhen lên trong chúng tôi niềm hy vọng bởi, dù cuộc đời sau này có nhiều ngả rẽ và lắm nhọc nhằn thì em vẫn sẽ “tiếp tục bước trên con đường văn chương” và coi đây là một sự “may mắn” của số phận.

Phạm Nguyễn Ca Dao sinh ngày 26-2-1994 tại Đà Nẵng, đang học lớp 12C1 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Bên cạnh các giải thưởng Văn học, Ca Dao còn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện như: Đạt giải nhì học sinh giỏi văn thành phố năm học 2009- 2010; Giải nhất học sinh giỏi văn thành phố năm học 2010- 2011; Giải thưởng “Niềm hy vọng” dành cho các tài năng trẻ năm 2008.

“Trong vòng 5 năm tổ chức trại sáng tác gần đây, Phạm Nguyễn Ca Dao là một trường hợp hiếm gặp. Em khẳng định bút lực của mình từ rất sớm với những trang văn ấn tượng…”, ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng nói.

 

Thanh Tân

;
.
.
.
.
.