Tiềm năng du lịch Đà Nẵng được đánh giá là rất lớn... Tuy nhiên, về đêm du khách không khỏi chạnh lòng với những khoảng trống về vui chơi, giải trí.
Pháo hoa, sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng nhưng mỗi năm chỉ có một lần. |
Hôm rồi, tôi có cơ hội làm “hướng dẫn viên” cho anh bạn từ phương xa trở về. Sau một ngày cùng anh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều danh lam thắng cảnh và một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố, chúng tôi về ngắm cảnh sông Hàn ban đêm, giữa sự hòa quyện của ánh sáng và dòng sông như thôi thúc anh muốn thức trắng đêm. Thế nhưng, sau vài giờ đồng hồ, chúng tôi không biết tìm đến đâu để giải trí. Anh bạn tôi thất vọng: “Đêm Đà Nẵng vắng quá!”. Mới hơn 21 giờ mà đường phố đã vắng tanh. Dạo quanh các điểm vui chơi giải trí về đêm thì đìu hiu, số khách đến rạp phim, nhà hát tuồng cũng chỉ là số ít khách theo tuor… Anh Nguyễn Văn Thương, một hướng dẫn viên du lịch tại một hãng lữ hành cũng cho rằng, lâu nay du khách đến Đà Nẵng ban đêm hầu như chỉ biết đi ăn tối rồi về khách sạn ngủ. Trong khi phần lớn du khách thích những hoạt động giải trí về đêm.
Được biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố lu ôn chú trọng đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay ngoài nhà hát tuồng đã có những chương trình phục vụ du khách với các chương trình như: Bức tranh quê, Giao lưu Việt Nam - quốc tế, Hồn quê và Một thoáng Việt Nam, còn lại chỉ có các rạp chiếu phim, quán bar nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ du khách. Một số điểm vui chơi giải trí khác tại Công viên Biển Đông, Công viên dọc bờ sông Hàn… cũng chỉ tập trung vào các đợt lễ, Tết.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Saigontourist tại Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, lượng khách đến miền Trung thường đổ về Huế, Quảng Bình, Hội An (Quảng Nam) bởi những nơi này khả năng thu hút khách lớn vì có nhiều chương trình giải trí về đêm ổn định. Còn theo ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours, Đà Nẵng có nhiều hướng đi đúng thể hiện sự quyết tâm của thành phố trong việc tăng cường các dịch vụ phục vụ du khách. Nhưng muốn đêm Đà Nẵng có những đặc trưng riêng phải hướng đến việc tạo ra những trung tâm giải trí tầm cỡ, biến giải trí đêm thành công nghệ, đáp ứng mọi nhu cầu của khách từ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm...
Hiện nay, ngoài chiếc cầu quay độc đáo chỉ được vận hành về đêm, ngoài những đêm pháo hoa quốc tế hoành tráng (mỗi năm một lần) thì Đà Nẵng có gì mỗi khi màn đêm buông xuống? Đây là một câu hỏi lớn, một khoảng trống khó lấp đầy nếu không có sự quyết tâm cao, sự nhận thức rõ ràng để đêm thành phố như là một phần tất yếu của cuộc sống đô thị và vấn đề lớn hơn là phải biết cách tổ chức để thực hiện.
Trong định hướng phát triển đến năm 2020, du lịch Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cùng với việc tập trung phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, thì việc phát triển các hoạt động dịch vụ về đêm cũng cần coi là một vấn đề cần quan tâm đầu tư. Ngoài ra, theo Thạc sĩ Văn Thu Bích, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng), để góp phần níu chân du khách lưu trú dài ngày hơn tại Đà Nẵng cần phải biết khai thác tốt các loại hình sân khấu truyền thống kết hợp với các dịch vụ du lịch. Có như thế mới hy vọng trong tương lai gần, du khách đến Đà Nẵng có thể tận hưởng được những dịch vụ phong phú, tạo nên bộ mặt mới của đô thị về đêm mang tính đặc trưng rất riêng của Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN