Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng vừa tổ chức điều tra, khảo sát di tích khảo cổ học tại địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, Đà Nẵng là một vùng văn hóa thấm đẫm văn hóa Chăm và văn hóa Đại Việt, tiếp biến và hòa quyện vào nhau một cách hòa bình.
Cổng Tam quan tại Khu di tích đình làng Lỗ Giáng - phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. |
Theo TS Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trưởng đoàn khảo sát, lịch sử Đà Nẵng nằm chung trong dòng chảy xứ Quảng của lịch sử dải đất miền Trung, manh nha từ văn hóa Sa Huỳnh, theo suốt tiến trình lịch sử với văn hóa Chămpa đằng đẵng hơn 1.000 năm, tồn tại và phát triển trên địa bàn Đà Nẵng đến nay đã để lại những dấu tích quan trọng. Đoàn nghiên cứu đã xác định các địa điểm di tích cơ bản, với nhiều loại hình khác nhau, từ miếu thờ tín ngưỡng (Đình Dương Lâm) chỉ thờ ngẫu tương Linga - Yony quy mô nhỏ bé, đến các phế tích có quy mô lớn hay những lũy thần đất (Thành Lồi - Hòa Phong) đã nói lên sự phong phú của các di tích nơi đây.
Di tích Vườn Đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) - địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh đã được biết đến qua cuộc khai quật năm 2000-2001 là di tích quan trọng trong tiến trình nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn Đà Nẵng. Những di tích mà hiện trạng còn lại gồm có đình Khuê Bắc với cửa Ngũ môn, giếng cổ xếp đá hình tròn cách cửa đình khoảng 50m, cho thấy đây là di tích tồn tại lâu dài trong lịch sử, từ thời sơ sử đến nay.
Di tích Cấm Mít (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là dấu tích của phế tích tháp Chăm. Phạm vi dấu tích của tháp Cấm Mít khoảng hơn 1.000m2 hiện nằm trên phần đất một số hộ dân. Trong quá trình điều tra nghiên cứu đã phát hiện một số dấu tích có tiềm năng lớn về khai quật khảo cổ học.
Tại phế tích tháp Quá Giáng (thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), hiện có ngôi miếu Bà, chính giữa miếu là một tượng Chăm để thờ, đặt trên bệ đá mặt trước có chạm khắc con tê giác. Theo chủ nhân gia đình đang sống trên phần đất này, phế tích Quá Giáng chưa từng được khai quật. Đoàn khảo sát cho biết, đây là quần thể phế tích quy mô lớn với nhiều hiện vật có giá trị phục vụ cho công tác sưu tầm và nghiên cứu.
Phế tích tháp Xuân Dương (thôn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) hiện không còn nhận diện được, xung quanh gò có cư dân sinh sống. Theo người dân, trước kia nơi đây là lò gạch cao đổ nát với nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, nay được đưa về bảo quản tại Bảo tàng điêu khắc Chăm. Phế tích tháp Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được Bảo tàng điêu khắc Chăm tổ chức khai quật vào năm 2011. Cuộc khai quật đã làm xuất lộ dấu tích kiến trúc tháp cổng, tháp thờ Chính (Kalan) cùng nhiều hiện vật điêu khắc đá khác...
Trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ một số hiện vật Chămpa, đó là: bệ thờ, mảnh bệ thờ, mảnh góc bệ thờ được khắc tạc hình ảnh tượng, voi, sư tử, Drappla, hoa dây uốn xoắn... thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương thế kỷ IX.
Các giếng cổ như Giếng Lăng, Giếng Đình, Giếng Thành Cung, Giếng Quán Hóa Ô (thôn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu)..., phần lớn lòng giếng hình vuông, được xây bằng các phiến đá xếp chồng lên nhau. Mặc dù nhiều giếng ghi năm tháng, nhưng qua nghiên cứu, các nhà chuyên môn cho rằng những giếng này có thể có nguồn gốc giếng cổ Chămpa, được người Việt sử dụng lại hoặc xây dựng theo truyền thống kỹ thuật Chăm khi vào định cư sinh sống nơi đây.
Về di tích văn hóa Việt, theo thạc sĩ Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, văn hóa Việt bao gồm khá nhiều di tích với nhiều loại hình thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Trong đó, đáng chú ý như mộ cổ Khương Mỹ, mộ cổ Cẩm Toại Tây, mộ cổ Yến Nê, mộ cổ Nại Hiên Đông... cùng các kiến trúc cổ như đình làng Dương Lâm, đình Cẩm Toại, đình Bồ Bản, đình Quá Giáng..., phản ảnh chuỗi tiến trình phát triển và hội tụ trở thành bản sắc văn hóa Việt.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: VĂN NỞ