NXB Đà Nẵng vừa ra mắt tập sách “Đình làng Đà Nẵng”, dày gần 300 trang do tác giả Hồ Tấn Tuấn (chủ biên) cùng các cộng sự Lê Xuân Thông và Đinh Thị Toan. Cuốn sách được xem là công trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa Đà Nẵng công phu và nghiêm túc.
Đã từ lâu, đình làng là thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt, là biểu tượng của văn hóa làng. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, đồng thời cũng là nơi dân làng gửi gắm niềm tin, ước vọng về cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Ngay trong phần đầu cuốn sách, các tác giả đi sâu phân tích về nguồn gốc, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, cách bố trí không gian của đình ở Đà Nẵng... Theo các tác giả, từ bao đời nay, “đình làng trở thành nơi hội tụ và phản chiếu văn hóa của cộng đồng làng xã trong diễn trình lịch sử”. Cùng với cây đa, bến nước, ngôi đình đã đi vào tâm thức của các thế hệ người Việt Nam như một giá trị văn hóa sâu lắng, không thể phai mờ.
Qua “Đình làng Đà Nẵng”, các tác giả cho thấy, trong diễn trình mở cõi xuống phương Nam, các tiền nhân luôn mang theo hình ảnh đình làng. Các tác giả khẳng định: Đình làng Đà Nẵng là biểu tượng văn hóa truyền thống của các cộng đồng làng Việt, được hình thành đầu tiên trên đất Bắc và dĩ nhiên được kế thừa do các đoàn người Việt mang theo trong diễn trình mở cõi xuống phía Nam. Song, theo quy luật của sự sáng tạo văn hóa, do tác động của hệ sinh thái nhân văn, đình làng Đà Nẵng vẫn còn mang đậm dấu ấn của vùng đất mới.
Cuốn sách “Đình làng Đà Nẵng” còn giới thiệu 35 ngôi đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từ lịch sử hình thành đến kiến trúc nghệ thuật của từng ngôi đình. Các giá trị văn hóa, lịch sử còn lưu lại đến ngày hôm nay như nghệ thuật điêu khắc, trang trí, các sắc phong vua ban… là những minh chứng lịch sử lâu đời của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, kiến trúc đình làng Đà Nẵng cũng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc truyền thống. Trong đó, mỗi ngôi đình đều được phác họa, phân tích, làm toát lên nét văn hóa chung của văn hóa cộng đồng cũng như của từng ngôi đình ở Đà Nẵng. Những bức ảnh chụp ở nhiều góc độ khác nhau tại mỗi ngôi đình cũng là những minh chứng đầy tính thuyết phục. Ngoài ra, tác giả còn đi sâu tìm hiểu vị trí, cảnh quan của các ngôi đình. Đình làng thường được xây cất ở nơi cao ráo, thoáng mát, không gian cảnh quan hài hòa và hợp với thuyết phong thủy. Bởi theo tác giả, trong tâm thức dân gian, “thế đất, hướng đình luôn ảnh hưởng to lớn đến sự suy thịnh, hưng vong của cuộc sống dân làng nơi trần thế. Đình có thế đất tốt, hướng đẹp thì sinh vượn khí, cuộc sống tốt tươi, trên dưới thuận hòa, học hành đỗ đạt; ngược lại thì dân làng phải hứng chịu tai ương, đôi khi suy mạt”.
Các tác giả cũng chỉ ra vấn đề nổi cộm nhất đối với quá trình bảo tồn, tôn tạo đình làng ở Đà Nẵng. Việc lựa chọn phương án tối ưu trong việc trùng tu tôn tạo đang tồn tại một nghịch lý là nếu quá chần chừ, do dự thì di sản có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại, nhưng ngược lại quá vội vã cập rập thì rất khó tránh khỏi nguy cơ làm biến dạng di sản.
Theo thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, “cuốn sách “Đình làng Đà Nẵng” mang đến cho bạn đọc nhiều hiểu biết vừa rất quen, vừa rất lạ về các ngôi đình làng của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, buộc chúng ta phải giật mình về cách ứng xử của mình đối với của hương hỏa mà cha ông để lại. Một cuốn sách thật đáng tìm đọc!”.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN