.

Người mê chữ Hán

.

Chữ Hán rèn con người đức nhẫn, muốn thuần thục phải tuân theo tuần tự, không đi tắt, vượt tuyến, và đặc biệt là phải đam mê... Đó là đúc rút của ông Trần Phước Tuấn, một trong những người được coi là có vốn chữ Hán dày dặn ở Đà Nẵng.

Ông Trần Phước Tuấn cho rằng, học chữ Hán tuyệt đối không được đi tắt, vượt tuyến.
Ông Trần Phước Tuấn cho rằng, học chữ Hán tuyệt đối không được đi tắt, vượt tuyến.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ đời ông cố, ông nội đến đời cha đều giỏi Hán tự, ông Tuấn xem mình có may mắn thừa hưởng nền tảng ban đầu từ gia đình. Ông kể, lúc còn nhỏ, bà nội và cha thường lấy Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm… hát ru các anh em ông khôn lớn. Đặc biệt, khi 7 - 8 tuổi, nghe cha hát ru các em, những câu chuyện thuộc thể thơ lục bát, song thất lục bát Hán - Nôm cứ thế đi vào tiềm thức, cậu bé Phước Tuấn mê và thuộc lòng lúc nào không hay. Rồi cả những “Nhân chi sơ, Tính bổn thiện/ Tính tương cận, Tập tương viễn/ Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên/ Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên/ Tích Mạnh mẫu, Trạch lân xử/ Tử bất học, Đoạn cơ trữ/ Đậu Yên-sơn Hữu nghĩa phương/ Giáo ngũ tử, Danh cu dương/ Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá…”, cậu cũng thuộc và thường cất đọc bất cứ nơi đâu… Khi Tuấn lớn lên mới biết đó là những giáo huấn từ Tam Tự Kinh, tập hợp tinh hoa của Nho giáo.

Khi học ở Trường Phan Châu Trinh, Hán tự cũng cuốn hút cậu học sinh cấp Đệ nhị, bởi cách viết văn hoa của thầy khi giảng những bài thơ chữ Hán. “Khi ấy, mỗi lần thấy các thầy phóng chữ trên bảng, thấy sao mà đẹp!”, ông tấm tắc. Đầy duyên nợ với Hán văn, nên dù có nhiều lựa chọn trước ngưỡng cửa đại học, cậu học trò giỏi đều các môn vẫn chọn ngành Việt Hán. Nhưng theo ông nói, mãi đến khi tốt nghiệp cử nhân Văn khoa, ngành Việt Hán (trước năm 1975), vốn liếng chữ Hán của ông chỉ như muối bỏ biển. Nhưng chưa bao giờ niềm đam mê của ông nguội lạnh. Ông tiếp tục học chữ Hán khi là thầy giáo, khi là thợ sửa xe, khi là thợ đan lát… Ông cho rằng, ngày nay có nhiều tài liệu, phương tiện hỗ trợ nên việc học dễ dàng hơn. Nhưng dù thời đại nào, học chữ Hán vẫn đòi hỏi đức nhẫn, muốn thuần thục thì nhất định phải tuân theo tuần tự, không đi tắt, vượt tuyến. Nhưng tuân thủ tuần tự, quy tắc một cách rập khuôn cũng rất dễ bị “mụ chữ”. Nếu học chữ Hán kết hợp với việc đọc tiểu thuyết, thơ văn cổ thì vốn chữ Hán sẽ vừa phong phú, vừa uyển chuyển. Máy móc, hay tài liệu hỗ trợ chỉ là phần thô. Ông Tuấn cho biết, nhờ thường xuyên đọc sách, đọc truyện nên kiến thức Hán văn của ông ngày càng được trau dồi, kể cả việc làm thầy phong thủy hơn 10 năm nay cũng là một cách học chữ Hán. Lượt qua tủ sách gần 30 ngàn cuốn của ông Tuấn, không khó để nhận ra phần lớn là những tiểu thuyết của Kim Dung như: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Ỷ thiên đồ long ký hay các tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc như: Tây du ký, Liêu trai chí dị, Tam quốc diễn nghĩa, Tần Thủy Hoàng, Lưu Công kỳ án, Tình sử Võ Tắc Thiên... Riêng sách Hán tự cổ,  ước tính ông có khoảng 1.500 cuốn.

Những năm trước, ông Tuấn hoàn thành “Bảng tra cách đánh chữ Hán (âm Việt) theo mã Thương Hiệt”, nhưng do nhiều nguyên nhân, công trình giúp cho việc đánh chữ Hán trên máy vi tính này vẫn chưa được xuất bản. Mặc dù chỉ được xem là người góp công thầm lặng (trong việc hiệu đính các văn bản chữ Hán), nhưng công trình Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, vừa đoạt giải vàng sách hay toàn quốc cũng là niềm vui lớn của ông. Đồng soạn giả của cuốn sách, ông Phạm Ngô Minh nói: “Không có những người uyên thâm, tỉ mẫn như anh Tuấn thì Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập khó được ghi nhận như thế”. Cũng theo ông Minh, hiện ở Đà Nẵng không có nhiều người vượt qua ông Tuấn về kiến thức, văn chương Hán cổ. Thế nhưng người nặng lòng với sách, với vốn chữ Hán của cha ông chỉ nhận mình là người đang học chữ Hán và ông sẽ học đến hết đời mình.

Bài và ảnh:  NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.