Nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động thành phố, người viết nhạc thiếu nhi hơn 30 năm qua, cho rằng, cái khó nhất trong sáng tác mảng này là phải thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người lớn đối với trẻ thơ.
* Ông bắt đầu với nhạc thiếu nhi như thế nào, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Trương Duy Huyến |
- Theo tôi, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, những người sáng tác âm nhạc nói riêng, trước hết phải có 2 yếu tố: năng khiếu và niềm đam mê. Từ khi là học sinh, sinh viên, tôi được bạn bè yêu mến vì thường đàn, hát trong những lần sinh hoạt hoặc biểu diễn văn nghệ… Từ niềm say mê đó, tôi tập sáng tác. Ca khúc đầu tay của tôi là Đồi thông, phổ thơ của cô bạn học cùng lớp 10. Nhưng đó là ca khúc tôi cất kỹ vào ngăn kéo, coi như một kỷ niệm thời học sinh.
Tác phẩm đầu tay tôi viết cho thiếu nhi vào năm 1983, trong một đêm lửa trại thiếu nhi (quận Ngũ Hành Sơn)… Đó là bài Ánh lửa tình bạn.
Thật may mắn, sau tác phẩm đầu tay, khá nhiều ca khúc do tôi sáng tác được thiếu nhi cả nước đón nhận như: Những ngôi sao nhỏ, Em hát cùng biển xanh, Hè về trên thành phố quê em, Em yêu thành phố biển quê em, Mùa thu xanh, Thành phố xanh, Mơ ước Điện Biên, Ngày học mới… Khi nhìn thiếu nhi vui ca hát với tác phẩm của mình, tôi thấy vui lắm. Đó chính là động lực lớn lao đối với người nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi như tôi.
* Hiện không có nhiều nhạc sĩ mặn mà với nhạc dành cho thiếu nhi vì cho rằng, vừa rất khó sáng tác mảng này, vừa không có thu nhập cao. Nguyên nhân có phải như vậy không và theo ông, cái khó nhất trong sáng tác nhạc thiếu nhi là gì?
- Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, người đã có hơn 200 ca khúc cho tuổi thơ, không nhiều nhạc sĩ mặn mà với nhạc thiếu nhi vì viết ca khúc thiếu nhi khó nổi tiếng hơn so với viết cho các đối tượng khác, thu nhập lại không cao (nếu không muốn nói là quá thấp). Còn nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha cho rằng, viết cho các em “ngỡ dễ mà lại rất khó”. Cả hai nhạc sĩ đều đúng. Nhưng theo tôi, cái khó nhất trong sáng tác ca khúc cho thiếu nhi chính là tình cảm và trách nhiệm của người lớn đối với trẻ thơ. Muốn ca khúc của mình được các em yêu thích thì cần sống cùng trẻ thơ, hiểu trẻ thơ, thở cùng hơi thở trẻ thơ, để hiểu tâm tư, tình cảm của các em…
* Chuyện không còn nhiều nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ trẻ mặn mà với nhạc thiếu nhi có phải là nỗi trăn trở của những người tâm huyết như ông về nhạc cho thế hệ tương lai?
- Những nỗi niềm, trăn trở của những người tâm đắc với nhạc thiếu nhi thì nhiều lắm. Khi xem chương trình Vietnam’s Got Talent 2012 được phát sóng trên truyền hình, tôi luôn tự hỏi: Nhạc viết cho thiếu nhi đâu cả rồi? Sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi đâu rồi? Vì trong chương trình này, các em thiếu nhi như Vũ Song Vũ, Vũ Đình Tri Giao, Thanh Trúc, Nguyễn Phương Anh… đều hát ca khúc dành cho người lớn hoặc hát nhạc quốc tế. Rồi những năm trước đây, những tờ báo dành cho thiếu nhi như: Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng, Khăn quàng đỏ… mỗi tuần đều có in từ 1 - 2 ca khúc thiếu nhi thì hơn 10 năm nay không còn thấy bài hát dành cho các em trên các trang báo này nữa. Và ngay cả phụ huynh cũng định hướng âm nhạc cho các em theo cách lệch lạc hơn… Các em không được sống đúng với lứa tuổi của mình dù đó chỉ là trong thế giới âm nhạc. Theo tôi, đây là những cách định hướng, phát triển nhạc thiếu nhi quá lệch lạc, quá nguy hiểm, cần sớm được khắc phục.
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh những nỗ lực của hệ thống các Nhà Thiếu nhi trên cả nước, của các Đài Phát thanh, Truyền hình Trung ương và địa phương, thiết nghĩ rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC DUNG thực hiện