Dân ca khu 5 là vốn quý trong di sản văn hóa của Quảng Nam-Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngày nay vì nhiều lý do, các làn điệu mượt mà, sâu đậm nghĩa tình này đang dần bị mai một.
Tiết mục dân ca kịch của đoàn Hòa Vang tham gia Liên hoan đàn hát dân ca thành phố Đà Nẵng 2011. |
Vốn quý của cha ông
Không biết từ bao giờ, những câu hò, điệu hát, lời ru thấm đượm nghĩa tình đã đi vào tiềm thức người dân Quảng Nam-Đà Nẵng, chỉ biết rằng có một thời, nghe dân ca thì người người, nhà nhà hăng say lao động sản xuất, trai gái nên duyên, vợ chồng hòa hợp. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những lời ca, tiếng hát giản dị, mộc mạc ấy đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần quân, dân ta chiến đấu và chiến thắng, giành độc lập, tự do cho nước nhà. “Tôi vẫn còn nhớ như in không khí thời ấy của các vở dân ca: Thoại Khanh Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên, Đội kịch chim chèo bẻo, Người con gái khu Đông, Bà mẹ Gò Nổi, Một mạng người, Chuyện tình bên dòng sông Thu… đã để lại biết bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng quân, dân cả nước về đất và người khu 5”, NSƯT Nguyễn Trường Hoàng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng nhớ lại.
Ông Hoàng cho biết, các làn điệu dân ca khu 5 rất phong phú, có thể kể đến các thể loại tiêu biểu như: Hô hát bài chòi, hát Lý, các điệu Hò, điệu Lía… Trong mỗi thể loại gồm các lối hát khác nhau; chẳng hạn, riêng hô hát bài chòi có đến 5 kiểu là Xuân Nữ, Cổ Bàn, Xàng Xê, Hò Quảng, Vè Quảng; các điệu Lý thì có Lý ngựa ô, Lý năm canh, Lý thượng, Lý tang tích, Lý thương nhau, Lý chiêu quân, Lý đi chợ…; các điệu hò lại có Hò khoan, Hò chèo thuyền, Hò tát nước, Hò giã gạo… Muốn học được, biểu diễn được các làn điệu dân ca phải có năng khiếu, đam mê, có tâm, có tình với quê hương đất nước.
“Hiện nay, dân ca hẳn sẽ mang những giá trị lớn hơn nếu được trân trọng, giữ gìn bởi đây là thể loại dễ đi vào lòng người, có thể dùng để phản ánh kịp thời gương những người tốt, việc tốt trong lao động sáng tạo. Dân ca cũng là phương tiện đắc lực để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền các vấn đề toàn xã hội quan tâm…”, ông Hoàng khẳng định.
Nguy cơ mai một
Nhịp sống hiện đại, gấp gáp với nhiều hình thức giải trí, thư giãn khiến dân ca khu 5 cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giới trẻ. Còn những người làm văn hóa thì lúng túng trong tuyên truyền, tổ chức hoạt động làm sao để giới trẻ thấy sức hấp dẫn của dân ca nói riêng, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung. Theo nhạc sĩ Trần Hồng, Chi hội trưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật sân khấu Đà Nẵng, người chuyên nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống xứ Quảng, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa thể có đội dân ca nào thật sự chuyên nghiệp, việc tìm kiếm được lực lượng trẻ hát dân ca một cách quy chuẩn, bài bản ngày càng khó khăn. Nhạc sĩ Trần Hồng cũng cho rằng, những năm gần đây, những người làm công tác văn hóa thành phố đã có những động thái tích cực cho sự sống còn của dân ca khu 5, tiêu biểu có thể kể đến việc tổ chức các lớp tập huấn hô hát các làn điệu dân ca thường niên cho các hạt nhân của phong trào văn nghệ cơ sở, đưa dân ca vào trường học, tổ chức các cuộc thi, liên hoan quy mô về đàn hát dân ca… “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp dài hơi, cần chuẩn bị một lực lượng kế cận hùng hậu, chuyên nghiệp, có tài và có tâm với vốn quý cha ông để lại. Và đây là chuyện của không riêng một tổ chức, cá nhân nào”, nhạc sĩ Trần Hồng nói.
Trong khi đó, NSƯT Nguyễn Trường Hoàng, đại diện cho đơn vị đồng tổ chức lớp tập huấn các làn điệu dân ca khu 5 năm 2012 khai mạc ngày 9-7 vừa qua, cũng bày tỏ tin tưởng: “Dự lớp tập huấn năm nay không chỉ có cán bộ của các phòng Văn hóa - Thông tin mà còn có sự tham gia của các thầy, cô giáo, những người làm công tác giáo dục. Việc mở rộng đối tượng này là bước tiến đáng mừng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các làn điệu dân ca trong cộng đồng, đặc biệt là trường học”.
Bài và ảnh: THANH TÂN