.

Tuyên truyền thông tin lưu động

.

5 năm qua, công tác thông tin tuyên truyền lưu động của huyện Hòa Vang đã mang lại hiệu quả tích cực. Những thông tin cần thiết đều đến được với người dân, hỗ trợ phong trào tại địa phương và Đội thông tin lưu động (TTLĐ) của huyện đã đóng góp đáng kể vào thành công này.

Thành viên Đội thông tin lưu động huyện Hòa Vang tham gia CLB Bài chòi Sông Yên.
Thành viên Đội thông tin lưu động huyện Hòa Vang tham gia CLB Bài chòi Sông Yên.

Từ năm 2006, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã nhận thấy công tác TTLĐ giúp ích rất nhiều cho việc thực hiện các phong trào trong nhân dân. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tập trung tốt các điều kiện để đẩy mạnh công tác TTLĐ và Đội TTLĐ ra đời từ đó.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, nhớ lại: Những ngày đầu đi vào hoạt động, đội gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với phương châm “làm đến đâu, rút kinh nghiệm đến đó”, cùng với sự quyết tâm và nhiệt tình của các thành viên trong đội, nên hoạt động của đội sớm đi vào nền nếp, duy trì thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Mỗi năm, đội hoạt động 3 quý, mỗi quý làm một chương trình tuyên truyền cho một hoặc vài nội dung và lưu diễn trung bình 15 thôn ở các xã.

Người dân hiện có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin qua nhiều kênh (sách, báo, phát thanh, truyền hình, Internet…). Do đó, hoạt động của đội TTLĐ huyện Hòa Vang không đặt trọng tâm đưa thông tin đến người dân mà phải giải thích để người dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó cổ động để thực hiện các chủ trương đó. Vì vậy, qua 3 năm hoạt động, đội đã thực hiện hàng trăm đợt phục vụ tuyên truyền, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những vấn đề có tính thời sự khác. Ông Dũng chia sẻ: Đội tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức nghệ thuật, tùy từng nội dung để có phương thức phù hợp. Ông Dũng ví dụ, tuyên truyền về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, đội có kịch bản Chồng tôi làm trưởng thôn, Chuyện làng tôi và Đôi điều khen, chê; về thực hiện nếp sống văn hóa-văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thì có tiểu phẩm Câu chuyện ngày cưới; về đội mũ bảo hiểm thì có vở Chiếc mũ bảo hiểm, Lỗi tại ai?; về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội có tác phẩm Sau giờ tập luyện, Tình Bác sáng ngời; về bảo vệ rừng thì có tác phẩm Rừng xanh… Chương trình của đội luôn là chương trình tổng hợp, được xây dựng trên nhiều thể loại như ca, múa, kịch ngắn, kịch dân ca, với chất lượng cao, phục trang luôn đổi mới và đạo cụ trực quan rất sinh động. Phần ca múa trong mỗi chương trình luôn thu hút được những tài năng văn nghệ trẻ của huyện tham gia và là nơi để các bạn trẻ vừa biểu diễn, vừa học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Thông qua những vở kịch được dàn dựng công phu, nội dung tuyên truyền được chuyển tải đến người dân một cách nhẹ nhàng, không áp đặt. Ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết: “Với hình thức sân khấu hóa, nội dung tuyên truyền được lồng ghép, giúp người dân có thể cảm nhận nội dung mà không cảm thấy nhàm chán, khô khan. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thức tuyên truyền này bên cạnh các hình thức khác, giúp việc tuyên truyền hiệu quả hơn”.

Hoạt động của Đội TTLĐ đã góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng huyện Hòa Vang phát triển; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh; thực hiện tốt công tác cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân. “Đội TTLĐ huyện sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, sát với thực tiễn cuộc sống và kịp thời đối với chủ trương, đường lối của Đảng; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để tránh gây nhàm chán; tiếp tục bồi dưỡng năng khiếu cho hạt nhân phong trào ở các địa phương…, qua đó từng bước nâng cao chất lượng của Đội TTLĐ để phục vụ tốt cho phong trào tại địa phương”, ông Nguyễn Thúc Dũng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG

;
.
.
.
.
.