Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta coi trọng “sự ngồi” và nâng lên thành nét văn hóa rằng “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Thế nhưng, nét văn hóa ấy ngày càng có muôn hình vạn trạng với các kiểu ngồi chẳng giống ai.
Hình ảnh 2 cô gái ngồi trên cụ rùa trong quần thể di tích Lam Kinh - Thanh Hóa bị cư dân mạng phản ứng gay gắt. (Ảnh Internet) |
1.001 kiểu ngồi phản cảm
Mới đây, cư dân mạng bất bình trước hình ảnh 2 cô gái ngồi lên đầu cụ rùa trong quần thể di tích Lam Kinh - Thanh Hóa. Qua bao nhiêu thế hệ, ai cũng biết rằng, bia rùa dùng để tôn vinh những người học hành đỗ đạt cao. Chuyện 2 cô gái ngang nhiên ngồi trên cụ rùa là hành động thiếu văn hóa, không thể chấp nhận và đây cũng là câu chuyện không chỉ xảy ra ở quần thể di tích Lam Kinh - Thanh Hóa.
Thực tế hiện nay, ở bất kỳ nơi đâu, chúng ta cũng luôn bắt gặp các kiểu ngồi gây phản cảm. Quán cà-phê S. trên đường Trần Phú (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đầu tư toàn bộ bàn ghế sofa màu trắng, trang bị hệ thống máy lạnh, hằng ngày thu hút rất đông khách. Trong tiếng nhạc du dương êm ái, có người thưởng thức cà-phê, người đọc sách báo, người làm việc với máy tính xách tay... Song, chỉ cần lướt qua cũng thấy có rất nhiều tư thế ngồi gây “dị ứng”. Đàn ông có người ngồi xổm hẳn lên ghế, lúc gác chân lên bàn, phụ nữ mặc váy nhưng ngồi hớ hênh, có người mặc nhiên ngả người nằm thẳng trên ghế sofa...
Anh Hùng, chủ một quán cà-phê trên đường Lê Đình Dương (quận Hải Châu), cho biết trên những bộ bàn ghế cổ sang trọng trong ngôi nhà cổ kính, lẽ ra “sự ngồi” phải được coi trọng. Tuy nhiên, nhiều chị em có nhiều kiểu ngồi “vô tư” chẳng giống ai, thiếu văn hóa, nhắc nhở thì mất khách, mang tiếng khó tính, nhưng không nhắc thì những khách khác nhìn vào rất khó chịu.
Khi ra bãi biển hay ở công viên, nhiều khi bắt gặp những hình ảnh “gây sốc” của các thiếu nữ mặc váy ngắn ngồi hóng gió rất thoải mái...
Văn hóa ngồi
Trong rất nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, văn hóa ngồi của Việt Nam rất đặc biệt với nhiều tư thế. Ngồi để tiếp khách thì phải tỏ ra trang trọng. Khi khách là cấp trên hay người cao tuổi hơn thì chủ nhà không được ngồi đối diện và không ngồi ngang hàng. Còn khi ngồi với bạn bè, người thân thì tư thế thoải mái và khoan thai hơn nhưng vẫn tế nhị. Khi ngồi, người trẻ nhường chỗ cho người già và trẻ con, nam giới nhường chỗ cho phụ nữ. Người phụ nữ khi ngồi chiếu, 2 chân chụm lại, cùng nghiêng về một hướng, còn đàn ông thì khoanh chân vòng tròn. Khi ngồi, phụ nữ luôn phải để 2 chân khép kín...
Thông qua việc ngồi, những người xung quanh có thể đánh giá được ý thức, tính cách của người ngồi. Tuy nhiên, các tư thế ngồi của người Việt Nam đã được cha ông ta nâng lên thành nét văn hóa đang dần biến thiên. Vì thế, các nhà văn hóa cho rằng, cũng cần học kiểu ngồi, cần chú ý để không gây phản cảm cho những người xung quanh.
Bài và ảnh: VĨNH KHANG