.

Bên sông Hàn 2012

.

LTS: 86 tuổi, trải qua nhiều công việc, nhưng người dịch Nghìn lẻ một đêm vẫn rất tinh tường và chu đáo. Gần một tuần về thăm quê vợ (phường Hải Châu 2), được nghe, được thấy, được hưởng gió biển Mỹ Khê, được lung linh mây vờn Bà Nà, được thong dong Ngũ Hành Sơn, Linh Ứng..., ông đã cảm nhận về thành phố này...

Đã hai năm rồi, tôi không có dịp vào Đà Nẵng. Hai năm, một thoáng thời gian vô nghĩa so với lịch sử đã đành, mà cũng rất ngắn cho cả một đời người. Vậy mà vừa xuống máy bay, trên quãng đường về nơi nghỉ, tôi đã có thể nhận ra những lần trước chưa nhìn thấy. Dùng lại cụm từ quá sáo mòn “thành phố đổi thay từng ngày” tưởng không ngoa, cho dù nơi đây vẫn khó tránh cùng cả nước và thế giới gánh chịu tác động của suy giảm kinh tế.

Người ta vẫn nói: người già sống bằng hoài niệm. Tự nhiên tôi nhớ lại ấn tượng xôn xao khó tả khi lần đầu trong đời được đặt chân tới dải đất nổi tiếng “ngũ phụng tề phi” này, khi vừa xuống hết chân đèo phía Nam Hải Vân. Vào một thời điểm không thể nào quên: 30-3-1975. Khi đó Đà Nẵng vừa đạt được cái mốc vàng 29 tháng 3 ngày hôm qua.

Đoàn phóng viên chúng tôi đang ở Huế mới giải phóng thì nhận được tin vui: Quân đội Sài Gòn đóng tại đất Hàn vừa tan tác tháo chạy trước mũi tiến công táo bạo và bất ngờ của Quân giải phóng miền Nam. Vội phân công một người ở lại bám trụ Thừa Thiên, còn lại háo hức lên xe bôn vào. Mới vào hè mà cái nắng miền Trung đã chói chang. Thành phố Đà Nẵng đang nghẹt thở dưới biển người các nơi bị quân đội Sài Gòn xua đi di tản. Đến đâu cũng gặp những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, mừng vui xen lẫn lo âu; phố xá nào ở trung tâm cũng nồng nặc hơi người đã lâu chưa được tắm rửa hẳn hoi. Với khí tiết của miền ngũ Quảng, Quảng Nam - Đà Nẵng đã cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lừng lẫy, rồi sau đó là 22 năm vượt lên hậu quả chiến tranh, từng ngày xây dựng thanh phố. Dĩ nhiên lúc bấy giờ với tư cách là một đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Một thời điểm khó quên khác. 15 năm trước, tại một kỳ họp Quốc hội, tôi vinh dự được cùng các đại biểu bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội tách tỉnh QN-ĐN thành hai đơn vị hành chính cùng trực thuộc Trung ương. Bên cạnh cái vui, không ít lo âu: đã chia tách thì đương nhiên nguồn tài nguyên hai bên cùng thu hẹp.

15 năm qua, thành phố Đà Nẵng có nhiều bước tiến tuyệt vời. Ngày nay, nói đến Đà Nẵng, không chỉ người dân trong nước mà nhiều người nước ngoài từng có dịp đến đây đều cho rằng thành phố này là “một môi trường đáng sống”. Mùa hè oi nồng, chuyến tàu đêm tốc hành từ Hà Nội vào Đà Nẵng tối thứ sáu - và hướng ngược lại, tối chủ nhật- đông chặt người dân thủ đô đi nghỉ cuối tuần. Nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên, những cây cầu hoành tráng vượt sông Hàn..., những cái này là chuyện bình thường như nhiều nơi khác ở nước ta ngày nay. Gây ấn tượng nhất là những con đường. 15 năm trước, Đà Nẵng có khoảng 400 đường phố, nay là 1.400, nhiều gấp 3,5 lần. Những phố cũ không còn không gian nới rộng thì cây cối được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ hơn xưa, những con phố mới thì rộng thoáng, có những con đường dài tới 10 – 12km mang những tên thân thiết trong con tim mọi người Việt: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa,   liền một dải men theo bờ biển... Môi trường xã hội tăng tiến đáng kể. Để mở rộng và chỉnh trang thành phố, 15 năm qua Đà Nẵng đã di dời êm thấm gần 1/3 số hộ trong số 900.000 dân hiện nay - đông gấp đôi so với ngày phân địa giới.

Đà Nẵng, hai bờ đông - tây. 										Ảnh: Minh Trí
Đà Nẵng, hai bờ đông - tây. Ảnh: Minh Trí

Báo chí nói nhiều về những đổi thay ở Đà Nẵng. Ghi nhận của tôi chẳng có gì mới. Điều làm tôi trở trăn suy nghĩ là: Đâu là nguyên nhân chính đưa đến thành công, trên bình diện chung của công việc quản lý đất nước ngày nay? Có phải do Đà Nẵng đã và đang tạo được sự đồng thuận xã hội cao đối với nhiều chủ trương táo bạo, độc đáo, không ít điều từng gây ngạc nhiên và hoài nghi hiệu quả khi mới đưa ra? Để tạo nên sự đồng thuận ấy, chủ chốt vẫn là vai trò lãnh đạo. Lãnh đạo ở đây là lãnh đạo tập thể, theo đúng nguyên tắc của Đảng ta. Nhưng tập thể ấy có người đứng đầu gần gũi, đồng cảm với ước vọng cũng như suy tư, lo lắng của người dân thường, để từ thực tiễn biết nghĩ suy cái mới, nhất là dám quyết định và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về những quyết đoán của mình. Phải chăng nét đặc sắc là vai trò và tài năng thực sự của người đứng đầu trong mối quan hệ cá nhân - tập thể lãnh đạo của mọi cấp ủy?

Về tới nơi nghỉ, anh bạn lái xe quen nói:

- Trời Đà Nẵng mấy hôm nay nóng lắm. Hai bác nghỉ ngơi, chiều tối muốn đi thăm đâu cháu đến đưa hai bác đi.

Bà xã nhà tôi háo hức:

- Ta đi sớm một chút, được không anh? Ngồi trong xe thôi mà.

Tôi chỉ cười tủm, cảm thông. Bà vốn chào đời tại thành phố này. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cô bé phải giã từ trường học, theo các anh chị vào bộ đội, đi tản cư, rồi dạt vào đến vùng tự do Bình Định học trung học. Hòa bình lập lại, tập kết luôn ra Bắc. Lấy chồng, sinh con nơi khác, mãi đến năm 1975 mới có dịp trở về thành phố gặp lại mẹ nay đã trở thành một bà già mòn mỏi chờ các con. Làm sao đến cái tuổi mon men bát tuần bà không háo hức khi được nhìn thấy con sông Hàn mà hai bờ mỗi ngày mỗi khác, để cùng gặp lại bao kỷ niệm thời ấu thơ?

PHAN QUANG

;
.
.
.
.
.