Tính từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều hoạt động mỹ thuật ở thành phố Đà Nẵng đã tạo được sự sôi động đáng kể. Không những thế, nhiều tác phẩm mỹ thuật còn được giới thiệu, trưng bày, triển lãm ở nước ngoài.
Tình quân dân (gò đồng) của Mai Ngọc Chính. |
Họa sĩ Lê Quốc Bảo, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “...Đó chính là “thiên thời” của mỹ thuật Đà Nẵng? Phải khẳng định kể từ khi Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, trực thuộc Trung ương, tốc độ hội nhập, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thay đổi theo từng năm tháng, dễ nhận thấy nhất là quy hoạch đô thị đã được mở rộng theo các tuyến đường vành đai, chiếm lĩnh không gian rộng lớn hướng ra biển từ bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn. Tốc độ xây dựng các cơ quan công sở, khu công nghiệp, chung cư, khách sạn, nhà hàng cao cấp, nhà dân khá mạnh, tất không thể thiếu nhu cầu treo tranh, đặt tượng làm trang trí nội, ngoại thất. Không chỉ là nhu cầu của các cơ quan công sở, nhà hàng, khách sạn mà cũng là nhu cầu không thể thiếu của không ít nhà dân… đã thật sự làm thức dậy tiềm năng sáng tạo mỹ thuật và nâng cao đời sống dân trí về mỹ thuật. Đúng như lời dạy của Bác Hồ “nghệ thuật phải ở trong kinh tế, chính trị”, “xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy”. Đó chính là “thế” và “lực” chắp cánh cho mỹ thuật Đà Nẵng”.
Còn “địa lợi”, theo họa sĩ Lê Quốc Bảo, Đà Nẵng đã sớm trở thành thương cảng lớn giao thương quốc tế và là mảnh đất đậm đặc những tinh hoa. Ngay trong nội thành là một công trình kiến trúc đầu thế kỷ XX, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và làng nghề mỹ thuật ứng dụng đá Ngũ Hành Sơn…; bao quanh là những tinh hoa mỹ thuật truyền thống thuộc di sản văn hóa thế giới như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), mỹ thuật cung đình Huế, lăng tẩm của triều Nguyễn vốn được xem là những bảo tàng sống động nhất của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí, phong phú về thể loại, kỹ thuật, chất liệu… Tất cả những nét tinh hoa độc đáo, đặc sắc của mỹ thuật truyền thống đó là “miền đất hứa” của các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng và ít hay nhiều, ẩn hay hiện đều hiện diện trong các tác phẩm của các thế hệ tác giả. Tiêu biểu là tác phẩm đoạt giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc, giải thưởng hằng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên; giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Đà Nẵng của các họa sĩ như: Vũ Dương, Hoàng Đặng, Duy Ninh, Tường Vinh, Nguyễn Trọng Dũng, Lê Đợi, Nguyễn Thị Dư Dư, Trần Thị Cúc, Tôn Nữ Tâm Hảo, Hồ Đình Nam Kha, Thân Trọng Dũng, Trần Nhơn, Phan Ngọc Minh, Từ Duy, Nguyễn Đức Hạnh và các nhà điêu khắc: Phạm Hồng, Đinh Gia Thắng, Mai Ngọc Chính, Lê Huy Hạnh, Trần Hữu Hóa, Lê Công Dũng, Nguyễn Quang…
Riêng về đề tài kháng chiến, ở Đà Nẵng có một số họa sĩ sáng tác mỹ thuật rất nặng lòng với đề tài này như: Mai Ngọc Chính, Phạm Hồng, Lê Huy Hạnh, họa sĩ quá cố Nguyễn Đức Hạnh. Tác phẩm của họ luôn luôn được chọn và trưng bày triển lãm mỹ thuật toàn quốc định kỳ về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ VH-TT&DL, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức. Qua đó, các tác phẩm đi sâu vào mọi lĩnh vực trong đời sống của người lính, các binh chủng trong kháng chiến và hiện tại, tạo sự khởi sắc trong nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Tượng (đá Non Nước) của Lê Công Thành. |
Nhà điêu khắc Phạm Hồng vốn gắn bó với phong trào sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng từ năm 1975 đến nay đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước dành cho nghệ sĩ tạo hình mỹ thuật vào tháng 5-2012. Tác phẩm điêu khắc của Phạm Hồng tạo nên ấn tượng đậm nét cho người thưởng ngoạn nghệ thuật về một thời gian khó nhưng hào hùng trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước qua các tác phẩm “Bà mẹ Quảng Nam - Đà Nẵng” (tượng đồng, đang được lưu giữ ở Bảo tàng Đà Nẵng), truyền thuyết dân gian với tượng đá “Thạch Sanh” hiện lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và công trình tượng đài được thực hiện công phu ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam).
Kế đến là nhà điêu khắc - họa sĩ Mai Ngọc Chính, đồng nghiệp thương mến thường gọi anh là “nghệ sĩ bộ đội” vì tính tình cởi mở, thân thiện và dù đang phục vụ trong quân đội nhưng anh hết sức chăm chỉ trong công việc tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật đúng như tác phong của người lính. Năm qua, nhiều nghệ sĩ trong Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã thật sự tiếc nuối khi nhà điêu khắc Mai Ngọc Chính từ giã cõi đời lúc tuổi vừa qua lục tuần. Anh để lại nhiều tác phẩm điêu khắc, nhất là phù điêu bằng đồng. Bức phù điêu “Tình quân dân” là một trong những tác phẩm gây cảm xúc nhất của anh. Nhắc lại sự mất mát nhà điêu khắc Mai Ngọc Chính, xin không quên dành riêng những giây phút tĩnh lặng tưởng nhớ đến họa sĩ Từ Duy, Nguyễn Đức Hạnh, Hà Dư Anh... - những người đã tích cực đóng góp những tác phẩm của mình cho sự phát triển mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đã về cõi vĩnh hằng.
HOÀNG ĐẶNG