Sau hơn một tháng khai quật di tích Phong Lệ giai đoạn 2 tại tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đoàn khảo cổ do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với các nhà khảo cổ của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH quốc gia Hà Nội) cho biết, đã làm rõ hầu như toàn bộ kiến trúc khu đền tháp Chămpa có niên đại hơn 1.000 năm.
Ông Nguyễn Xuân Mạnh mô phỏng hình dạng vật yểm đặt trong các hốc của hố thiêng. |
Hố thiêng lớn nhất
Ông Nguyễn Chiều, Giảng viên Khảo cổ học khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH quốc gia Hà Nội, phụ trách công tác khai quật cho biết, trong lần khai quật giai đoạn 1 vào tháng 4 năm ngoái, đoàn khai quật đã phát hiện được tháp cổng và bắt đầu lộ một phần của tháp chính. Năm nay, trên tổng diện tích khoảng 500m2 cho phép khai quật, đoàn đã đi sâu khám phá tháp chính. Theo kết quả đo đạc hiện tại, nền móng tòa tháp chính này có diện tích khoảng 16m x 16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ (cửa giả) và 1 cửa chính. Ngoài ra, đoàn khai quật còn phát hiện một số vết tích điêu khắc nghệ thuật khá tinh xảo, giúp xác định niên đại. So sánh những di tích hiện còn và hiện vật đã được thu gom về bảo tàng trong đợt khai quật trước cho thấy, niên đại của Phong Lệ tương ứng với di tích Chăm ở Khương Mỹ (tỉnh Quảng Nam), và niên đại cụ thể xác định là vào cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.
Giảng viên khảo cổ Nguyễn Xuân Mạnh (khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), người cùng ông Nguyễn Chiều phụ trách đoàn khai quật đặc biệt lưu ý hố thiêng mà đoàn mới đào được một nửa ngay khu giữa tháp chính. Đây là một hố vuông có cạnh phủ bì dài khoảng 6,5m, cạnh trong lòng dài 4,25m, độ sâu không dưới 1,8m. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chuyên vẽ phục chế các công trình kiến trúc di tích, đây là hố thiêng lớn nhất trong tất cả các hố thiêng của đền tháp Chămpa được phát hiện tính đến thời điểm này. Hố thiêng là nơi đặt bệ thờ, thường thờ thần Shiva với vật tế là ngẫu tượng Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của Ấn Độ giáo. Nếu nghiên cứu kỹ thì có thể làm rõ được ảnh hưởng của Ấn Độ giáo đối với Việt Nam nói chung và đất Quảng nói riêng.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đo đạc để vẽ lại cấu trúc khu đền tháp. |
Ẩn số
Điều đặc biệt là phần hố thiêng mới lộ rõ một nửa, đoàn khảo cổ lại phát hiện được 4 hốc hình chữ nhật phân bố đều đặn ở 3 cạnh đã phát lộ của hố thiêng. Trong mỗi hốc này đều chứa một viên đá cuội hình cầu, phía trên đặt úp ngang một viên gạch, ngập trong cát trắng. Theo phán đoán của giới chuyên môn, đây có thể là những hố thờ vật yểm. Và vật yểm gồm hòn đá cuội đặt dựng đứng ghép với viên gạch ngang trên đầu khiến người ta liên tưởng đến cặp ngẫu tượng Linga và Yoni, nhưng trật tự có một chút thay đổi. Viên gạch ngang có hình dạng biểu trưng cho Yoni nằm trên thay vì nằm dưới. Cả 4 hốc đều như thế. Hiện tượng đó hẳn không phải ngẫu nhiên mà mang quan niệm tôn giáo của người Chămpa xưa. Rồi cũng không phải ngẫu nhiên mà trước mỗi hốc đựng vật yểm trong hố thiêng, trên hố thiêng lại có các viên đá thạch anh chắn cửa, trong khi đá cuội và cát sỏi mới là thành phần phổ biến còn lại của mọi cấu trúc tường, móng tháp Chămpa. Người ta cũng đặt câu hỏi về vai trò của đá thạch anh trong quan niệm của chủ nhân ngôi đền tháp.
Bên cạnh hố thiêng, các hố thám sát do đoàn khai quật để tìm hiểu cấu trúc nền móng tháp đều cho thấy, khi tạo ra nền móng tháp, người Chăm đã lần lượt đổ từng lớp cát, sỏi đầm chặt, sau đó xếp từ 1-2 lớp gạch phẳng. Cứ như thế, trên dưới 10 lớp gạch, lại xen kẽ cát, sỏi làm nền móng vững chắc, vậy nên dù đền tháp xây rất cao nhưng vẫn không bị ngã đổ. “Khảo sát cấu trúc đất đá này có thể chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá về kiến trúc và xây dựng do người đời xưa để lại”, ông Nguyễn Xuân Mạnh nói. Tại 3 cửa phụ (cửa giả không có lối vào), đoàn khảo cổ còn phát hiện các khối đá tự nhiên lớn, theo phán đoán đó có thể là bệ đặt tượng trang trí…
Theo phản ánh của người dân địa phương, trong khi họ đào móng làm nhà hay các công trình phục vụ dân sinh khác thì vẫn thường phát hiện rải rác gạch ngói, vết tích của tháp Chăm. Do đó, quy mô di tích có thể không chỉ dừng lại ở khu đền tháp chính và tháp cổng này mà có thể có một quần thể tháp rộng lớn. Bởi lẽ, với một khu kiến trúc tháp Chăm, ngoài khu tháp trung tâm (tháp chính) còn có 2 tháp phụ và những công trình liên quan khác.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: THANH TÂN