.
Tạp bút

Con đò của má

Mỗi lần thấy con đò nhỏ ngược xuôi trên dòng sông Hàn, tôi lại nghĩ về má. Cuộc đời má cũng như con đò nhỏ kia, cứ lênh đênh theo nhịp lên xuống của con nước. Thế nhưng chưa một lần tôi thấy má than thở nửa lời. Má - một người phụ nữ giỏi chịu đựng, lúc nào cũng chỉ biết hy sinh cho chồng con.

Ngày chưa có cây cầu Sông Hàn, má tôi làm nghề chèo đò trên sông. Má chở những người qua sông vì không kịp chuyến phà, má chở những ghe cá vào bờ cho các chủ tàu. Con đò của má ngược xuôi khắp dòng sông Hàn, mỗi nhịp chèo là một nỗi buồn vui. Con đò của má là con đò chuyên chở tình thương, lúc nào cũng in đậm trong tâm trí tôi suốt thuở ấu thơ không thể nào quên được.

Tôi còn nhớ thuở lên năm lên bảy, ngày nào cũng vậy, cứ gần nửa buổi, chị em tôi hay ra bờ sông chờ con đò của má. Ngày đó mấy thằng em nhỏ của tôi còn đi học mẫu giáo, mà trường mẫu giáo đối diện nhà nên tụi nó canh tới giờ ra chơi là trốn học để ra bờ sông chờ má. Vừa thấy chiếc nón trắng của má thấp thoáng còn ở phía ngoài xa sông, chị em tôi đã reo lên: “Má về! Má về! Hên xuôi!”. Nếu hên thì má sẽ mua bánh trái, còn xuôi thì má sẽ về tay không. Nhưng mà lúc nào chị em tôi cũng gặp hên cả. Khi con đò nhỏ của má cập bờ, đón lấy chiếc nón trắng má trao, lúc nào trong nón cũng có đủ thứ bánh: bánh hột xoài, bánh bò, bánh ít, rồi đủ thứ trái cây. Chị em tôi tranh nhau đứa vác rổ rá, đứa vác dầm lên cho má, còn má thì bồng thằng út, rồi thơm vào má nó, thơm lấy thơm để. Mùi bánh ngầy ngậy, hèn gì mấy thằng em tôi trốn học chạy về cho bằng được. Má la sao đi học bỏ về giữa chừng, mấy thằng em lém lỉnh: “Con đói bụng quá”, rồi tụi nó xách bánh trái chạy vội về lớp. Kỷ niệm êm đềm đó thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc mơ của tôi, nhớ lắm chiếc nón trắng, nhớ lắm mùi bánh bò, bánh hột xoài, nhớ lắm mùi mồ hôi mằn mặn của má.

Nhớ ngày má có bầu thằng em út, sắp đến ngày sinh, hằng đêm má vẫn vác mái dầm xuống sông chèo đò. Có đêm, đang chèo giữa chừng sông, má đau bụng, phải chèo vội về kẻo sinh rớt thằng út trên ghe thì tội. Rồi ba cuống cuồng chạy đi mượn xe chở má đến trạm y tế phường. Sau này chị em tôi gọi thằng út em là “thằng út lùng bùng” vì nó sinh trong hoàn cảnh lùng bùng, rối ren như vậy. Rồi cứ mỗi dịp ra Tết, ông ngoại tôi hay cúng ghe cho má đi làm mở hàng. Chị em tôi nằng nặc đòi đi theo. Một đằng ghe má tôi chèo, đằng kia ông ngoại tôi cúng vái, rồi ông nói: “Mấy đứa nhỏ lạy cho má tụi bây mần ăn cho được”, chị em tôi vái lấy vái để. Má tôi cười, nụ cười hiền từ và bao dung biết bao. Nụ cười làm bừng sáng cả mặt sông. Nụ cười trên gương mặt khắc khổ ấy vẫn hằn sâu trong trái tim tôi không giây phút nào quên được. Từ nhỏ đến lớn, tôi toàn học những lớp đa phần con cán bộ, ba mẹ bạn tôi có thể làm ông này bà nọ. Nhưng tôi chưa bao giờ xấu hổ vì má tôi làm nghề chèo đò mà thấy tự hào bởi tôi lớn lên từ con đò của má. Chén cơm tôi ăn, sách vở tôi học, quần áo tôi mặc đều do một tay má chèo đò. Tôi có thể thua tụi bạn về hoàn cảnh gia đình nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng phấn đấu không thua kém về con điểm.

Năm 2000, khi nhịp cầu Sông Hàn bắc ngang hai bờ đông tây thì má tôi thôi không còn chèo đò nữa. Chị em tôi đứa nào cũng buồn vì con đò của má giờ nằm im trên bến. Thỉnh thoảng, chiều chiều ra bờ sông, chị em tôi lại trèo lên ghe má nằm ngủ, thấy êm êm như có vòng tay má ru má hát. Rồi má bán ghe, lấy số vốn nho nhỏ làm gánh cá bán ngoài chợ. 2 giờ sáng má thức xuống bến mua cá đem về chợ bán đến trưa mới xong. Những hôm trời mưa gió rét, khi chị em tôi còn ngủ say trong chiếc chăn bông ấm cúng thì má phải trở dậy, tất bật đi làm. Nhiều lúc tôi thấy thương má mà không làm gì được, chỉ biết trùm chăn khóc.

Tôi khâm phục má là người giỏi chịu đựng. Khi ba tôi không làm công an nữa thì một mình má phải bươn chải nuôi cả gia đình. Tôi lại nhớ bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương, sao thấy má giống bà Tú đến vậy: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”. Con đò và gánh cá của má đã nuôi 5 chị em tôi ăn học thành người. Những lúc thấy má ngồi khóc một mình, lại thương má biết bao. Thì ra má đã cố kìm nén những khoảng lặng trong tâm hồn để chị em chúng tôi được tròn giấc ngủ, được no bữa cơm, được tung tăng cắp sách đến trường. Mà tôi - đứa con gái vốn bướng bỉnh, cộc cằn chưa bao giờ nói câu: “Con thương má nhiều lắm!”. Tôi không quen nói những câu sáo rỗng như vậy. Giờ đây, khi ngồi viết những dòng về má, tự đáy lòng tôi thấy có lỗi với má nhiều lắm. “Má ơi! Cảm ơn má đã sinh ra con, đã cho con hình hài này, vóc dáng này, đã cho con làm những việc mà con thích”. Lại nhớ có câu rằng:

“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ
            nghe không”.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.