Bạn thân mến,
Vậy là đã tròn 3 tháng tôi xa Hà Nội. Trên các nẻo đường của Tây Bắc hôm nay, những cung đường thênh thang gió, thênh thang nắng và đôi khi ràn rạt mưa. Nhưng gần ngàn kilômét tôi đã đi, chưa bao giờ phải dừng lại vì một đám tắc đường, có chăng giảm tốc độ đi để tránh đàn trâu đang lốc cốc lững thững về chuồng. Và cũng không phải lùm lùm khẩu trang chống bụi, vì thiên nhiên Tây Bắc trong lành, luôn có những mùi thơm của lúa, của cỏ hoa xứ đồng rừng. Nhưng đi nhiều, xa Hà Nội lâu ngày, tôi thấy xôn xao nhớ. Đôi khi cũng muốn mình đang đi giữa dòng xe cộ ào ào.
Trên email tối qua, bạn viết: Ngày nào Hà Nội cũng tắc đường. Tiếng ồn thì ngày một “ô nhiễm” hơn, và không gian ngợp trời khói bụi. Chưa hết, bạn còn kể ra biết bao nhiêu là thứ “chưa được” của đô thị này, về cây cầu vượt thô kệch vắt ngang đường dành cho người đi bộ trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, về những vỉa hè chưa hỏng đã đồng loạt thay thế trong khi vỉa hè trước cửa Trung ương Đoàn ở phố Bà Triệu suốt mấy tháng nay đã bong tróc nhiều mảng lớn nhưng không ai sửa chữa. Rồi còn nữa, những chuyến xe buýt đánh võng, nhả khói đen sì trên đường phố, áp sát người đi đường, vào - ra bến đỗ hết sức tùy tiện. Vẫn chưa hết, bạn còn than về những tuyến phố trung tâm của Hà Nội đã nhỏ bé, nhưng lại được đấu thầu để các công ty kinh doanh chỗ đậu xe tính theo giờ, bất kể trước cửa của nhiều công sở…
Nhưng vì đó là bạn từng ngày chung sống với đô thị đang phát triển ấy. Vì thế, những điều ẩn chứa nhiều sự bức xúc ấy bạn có thể kể ra bất kể lúc nào... Còn tôi, bạn biết không, xa Hà Nội, tôi nhớ nhất là… cà-phê, mà phải là ngồi ở cái quán cà-phê ven Hồ Gươm bạn ạ. Đã nhiều năm nay, cứ lúc nào thời tiết mát mẻ, hay buổi sớm mai sương còn lững lờ buông trùm tàng cây sấu ven hồ, tôi lại tìm đến đây chọn một chiếc ghế có thể nhìn ra hồ, càng sát hồ càng tốt, gọi một ly cà-phê đen. Uống cà-phê ở đây chỉ như một cái cớ, chứ khó mà khen cà-phê ở đây ngon. Hà Nội có nhiều quán cà-phê, nhưng không quán cà-phê nào có được vị trí đắc địa như ở Hồ Gươm, thành thử nhiều người vẫn chọn Hồ Gươm làm chốn để ngồi. Ngồi đó, uống chỉ là phụ. Ngắm Hồ Gươm trôi đi trong từng khoảnh khắc, và thu nhận vào mình những câu chuyện, những phận người bám lấy Hồ Gươm để mưu sinh lại là một trải nghiệm. Nhà thơ Lưu Trọng Văn, con trai của thi sĩ “Tiếng thu” Lưu Trọng Lư, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng mỗi lần về Hà Nội cũng thường hẹn tôi ra ngồi cà-phê ven Hồ Gươm. Đó là thói quen của những người đã xa Hà Nội. Anh ấy bảo, có lẽ đó là thói quen khó bỏ nhất.
Có người khi ngồi ở quán này còn thắc mắc, sao ở đây người ta không chế ra một loại cà-phê, đặt tên riêng là “cà-phê Hồ Gươm”. Hẳn hoi như vậy có khi lại trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Tôi nghĩ, rồi thế nào cũng có người làm như thế.
Tôi đang ở xa Hà Nội, bây giờ thấy thèm chút hơi lạnh từ mép Hồ Gươm tỏa lên, đôi khi những làn gió mỏng manh ùa tới khiến mình phải so người lại, kéo cao cổ áo, và nhất định gọi thêm ấm trà nóng. Ở đây, giữa thị trấn Mường Khương cách Lào Cai hơn 70km, bạn thân mến, cà-phê vẫn có ở nhiều quán, nhưng giữa một khoảng lặng của tâm hồn, vẫn khiến người ta nhớ quá về Hà Nội. Ở đó, nhiều thứ đã trở thành kỷ niệm, thân thuộc đến nỗi khiến ta phải nhớ.
Bạn thân mến,
Những ngày rảnh rỗi ở Hà Nội, tôi thích ngồi bên mép đường, phía sau vườn hoa Lý Thái Tổ nhìn chiếc xe đạp hay xích lô hoặc mấy chị đội thúng bánh mì chầm chậm đi ngang tòa nhà Ngân hàng Nhà nước, sát dãy cây chà là bao năm vẫn lao xao như thế. Đó là khoảng không gian nhiều khi rất tĩnh lặng, và đẹp hiếm hoi còn sót lại giữa đô thị dư thừa sự hối hả, ồn ào như Hà Nội hôm nay.
Xa Hà Nội, tôi cũng nhớ tới màu vàng của những ngôi biệt thự Pháp trên các phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, hay Tông Đản… Cách đây chừng dăm năm, tôi trọ ở khu tập thể 16 Trần Hưng Đạo, trước cửa nhà là biệt thự số 13, bên trong sân có 2 cây chuối cảnh được trồng lâu lắm rồi, nên cao vút và phía trên có cái tổ chim to sụ. Đó là tòa nhà rất đẹp, tường rào bằng gạch trùm giàn hoa giấy và dây leo xanh mướt. Ngôi nhà thâm u, cánh cổng thường khép chặt ấy luôn có một sức hút mãnh liệt với tôi. Có nhiều buổi sáng, hay những đêm khuya, tôi ngồi lặng yên bên này đường nhìn ngắm ngôi biệt thự cổ, gửi gắm một mơ ước xa vời. Một ngày nọ, thấy diễn viên Trần Lực cùng ê-kíp quay phim ghi hình. Tôi không rõ là bộ phim gì, nhưng dường như đó cũng là khoảnh khắc cuối cùng tôi thấy ngôi nhà ấy trong không gian sống nguyên sơ, chưa bị xô đẩy bởi nền kinh tế thị trường. Bây giờ, mỗi khi có dịp ngang qua đây, tôi lại xao xác những hồi ức mong manh của mình về ngôi nhà ấy. Bởi giờ đây, biệt thự số 13 này đã trở thành nhà hàng sang trọng…
Nói tới những biệt thự cũ trong lòng thành phố, tôi nhớ, báo chí đã bàn khá nhiều quanh việc bán các ngôi biệt thự. Theo số liệu cách đây ít lâu, trong số 970 biệt thự đã thống kê chỉ có 42 cái không được phép bán, 131 không hoặc chưa bán, 163 đã bán xong, 588 biệt thự đã bán một phần, 46 biệt thự cho doanh nghiệp thuê. Còn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, thì có tới trên 80% biệt thự cổ đã bị cải tạo, cơi nới làm biến dạng. Một số liệu từ cuộc điều tra có thể chỉ ra cụ thể hơn: số biệt thự có 1-2 hộ dân chỉ chiếm 5%, có từ 5-10 hộ dân chiếm 50%, còn lại khoảng 40% số biệt thự có từ 10-15 hộ ở, cá biệt có biệt thự có tới 35-40 hộ ở. Nói chung, bán hay giữ lại những ngôi biệt thự cũ là câu chuyện dài và khá phức tạp. Nhưng bằng tất cả tình yêu và cảm xúc của mình với Hà Nội, tôi thấy thật sự tiếc khi đi qua rất nhiều khu phố cũ phố cổ bây giờ không được hút mắt nhìn ngắm những ngôi nhà màu vàng, mái ngói thâm nâu lấp ló sau bóng hoàng lan cổ thụ. Đó là những nét cũ mà nếu gìn giữ được, nó mang “dáng hồn thu thảo”, nó dung chứa những giá trị của một đô thị có bề dày lịch sử. Và đó chính là báu vật cho con cháu sau này. Tất nhiên, việc quản lý hay sửa chữa, hay ai sẽ sống và giữ các ngôi nhà ấy lại là việc không cho phép cảm xúc hay cảm tính. Nó đòi hỏi đến một trình độ quản lý cao, và những ràng buộc mang tính pháp lý. Nhưng việc bán đi những biệt thự ấy cũng đồng nghĩa rồi đây Hà Nội sẽ mất đi nhiều ngôi nhà cũ, thay vào đó là một lối kiến trúc mới: pha tạp và tự phát. Điều ấy khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.
Bạn thân mến,
Xa Hà Nội, mỗi người sẽ có một nỗi nhớ rất riêng. Tôi nhớ, hôm ở Tam Đường (Lai Châu), thốt nhiên tôi thấy thèm… bún. Nhiều người đi xa thường nhớ phở Hà Nội, tôi thấy phở đã và đang bị biến dạng đi nhiều, thành thử đã lâu rồi tôi không ăn phở nữa. Tôi nghĩ bún mới là món “rất Hà Nội”. Từ bún, người ta chế ra nào bún ngan, bún thang, bún riêu; nào bún ốc, bún đậu chấm mắm tôm, bún chả, bún móng giò… Buổi sáng, tôi thường ăn bát bún sườn ở một ngách nhỏ đầu phố Trần Hưng Đạo. Ăn tô bún sườn ở đây, tôi thường gọi thêm một cốc chè xanh. Bà bán nước ở đây xấp xỉ tuổi 70, sáng nào cũng đun một nồi chè xanh thật lớn, ủ nóng. Nếu là mùa hè, khách yêu cầu thì bà cho thêm cục đá, còn mùa đông hay mùa thu như bây giờ, khách cầm cốc chè xanh lên tay và nhấp cái vị chan chát ấy, rồi cả cốc nước hết lúc nào không hay. Đó là một hương vị xưa còn sót lại, không nhiều, trong thói quen của một bộ phận người sống ở Hà Nội hôm nay.
Nhắc tới những hương vị xưa cũ khi xa Hà Nội, về mùa thu, nhiều người nhớ tới cốm. Đúng, cốm Vòng đã trở thành thứ để người ta muốn thử. Nhưng bây giờ, cốm cũng đang bị làm dáng, màu xanh của cốm là màu xanh của… hóa chất. Vì thế, nhiều người đã dần xa lánh cốm. Riêng tôi, có những phố ngập tràn hương vị mà mỗi khi xa Hà Nội, tôi thường da diết nhớ. Đó là phố Lãn Ông. Tôi chưa bao giờ tới đây bốc thuốc, nhưng con phố này thường khiến tôi thấy thèm được nhiều lần dạo bước. Vì ở đó, chỉ cần bạn bước vào đầu phố, bất kể lúc nào, đều thấy mùi hương thoang thoảng của các vị thuốc tỏa ra. Tôi thích đi bộ ở đây vào tầm 9 giờ tối, hay sớm mai tinh khiết. Khi đó, các cửa hàng đã đóng cửa, hoặc chỉ còn hé ra chút ít. Lúc ấy, những cô những chị bán hàng không ngồi chễm chệ trên hè phố lia xia mời mọc cùng la liệt những bịch nilon. Lúc ấy, bạn sẽ thấy Hà Nội thật đáng yêu, vì mùi vị, vì những bảng hiệu cũ kỹ, đượm màu thời gian của phố cũ Hà Nội.
Và tôi mong bạn sẽ yêu Hà Nội hôm nay, bởi những điều giản đơn giữa sự ồn ào của nhịp đời bận rộn.
HOÀNG THU PHỐ